Tài nguyên

Lạng Sơn: Khai thác nguồn lực đất đai để thúc đẩy kinh tế xã hội

Hoàng Nghĩa 23/08/2023 - 18:03

(TN&MT) - Những năm qua, Lạng Sơn đã tập trung triển khai công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đồng loạt ở các cấp, tạo điều kiện thuận lợi giúp các nhà đầu tư tiếp cận đất đai. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân.

Nâng cao chất lượng quy hoạch

Nhằm phát huy tốt nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chủ động trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hanh Quyết định phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp huyện; hoàn thành lập Phương án phân bổ, khanh vùng đất đai tích hợp trong Quy hoạch tỉnh.

Triển khai lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp tỉnh, đảm bảo thống nhất số liệu với Phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai, phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện và chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ.

Tại cấp huyện, 11/11 huyện, thành phố đã hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2022-2023; tổ chức công bố công khai theo quy định.

screenshot_20230606_095238_facebook.jpg
Tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ phát triển kt-xh, giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp các dự án phải thu hồi đất, các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ vào mục đích khác báo cáo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT hoặc trình HĐND tỉnh chấp thuận làm cơ sở thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành một trong những công cụ quan trọng của các cấp chính quyền trong quản lý, khai thác sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả, góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Thông qua quy hoạch sử dụng đất đã tạo được quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị. Bước đầu đáp ứng nhu cầu của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu đô thị hóa.

Công tác kiểm tra, giám sát triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đẩy mạnh trên toàn tỉnh. Vi phạm trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở địa phương ngày một giảm. Qua đó, giúp người sử dụng đất nắm bắt thông tin, nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Phân bổ hợp lý các loại đất

Theo kết quả thống kê đất đai năm 2020, Lạng Sơn có trên 830.000ha tổng diện tích tự nhiên, trong đó, trên 700.000ha là nhóm đất nông nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác nguồn lực đất đai cho mục tiêu phát triển KT-XH.

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, quỹ đất phát triển đất giao thông, đất xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo, đất ở, đất danh lam thắng cảnh, đất có di tích lịch sử - văn hóa… đã tăng mạnh trong 10 năm qua, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở địa phương.

img_20230823_163444.jpg
Quỹ đất chưa sử dụng được đưa vào phục vụ các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung về lúa.

Quỹ đất dành để đấu giá, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất được phân bổ hợp lý, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1 khu kinh tế, 1 KCN và 3 CCN được phê duyệt. Nhiều tuyến đường, cầu huyết mạch, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu đô thị, khu dân cư nông thôn… được xây dựng và hoàn thành, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết một lượng lớn việc làm cho người dân. Liên kết giữa tỉnh Lạng Sơn với các tỉnh trong vùng và cả nước ngày càng được gắn kết sâu rộng.

Quỹ đất chưa sử dụng được đưa vào phục vụ các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung về lúa tại huyện Hữu Lũng, Lộc Bình, Tràng Định…; na Chi Lăng, Hữu Lũng; quýt Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn; hồng Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên Cao Lộc…

Đồng thời, đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc khôi phục và bảo vệ đất trồng lúa, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng kinh tế, đáp ứng yêu cầu cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển.

Thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển dài hạn. Công bố, công khai, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, kịp thời điều chỉnh hoặc bãi bỏ các quy hoạch không còn phù hợp.

screenshot_20230627_133153_facebook.jpg
Lạng Sơn đã có 1 khu kinh tế, 1 KCN và 3 CCN được phê duyệt, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết một lượng lớn việc làm cho người dân.

Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất để thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đất đai hoặc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư để khai thác hiệu quả quỹ đất, nâng cao giá trị đất đai.

Đồng thời, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, không hiệu quả, lãng phí đất đai.

Lạng Sơn đã tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 7,22%; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,32%. Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm duy trì hơn 3%. Năm 2022 đã hoàn thành mục tiêu đưa 2 xã và 14 thôn ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Khai thác nguồn lực đất đai để thúc đẩy kinh tế xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO