Xã hội

Lạng Sơn: Giảm nghèo từ các mô hình sinh kế cho phụ nữ đồng bào DTTS

Hoàng Nghĩa 26/10/2023 - 16:10

(TN&MT) - Lạng Sơn hiện có trên 150.000 hội viên phụ nữ, trong đó, nữ lao động nông thôn chiếm trên 60%, là lực lượng nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp. Nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh, các cấp hội phụ nữ Lạng Sơn đã hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho hội viên.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp

Tháng 10/2023, dự án Phát triển chuỗi giá trị hồng Vành khuyên treo gió hữu cơ đã đạt giải nhất Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề Phụ nữ phát huy tài nguyên bản địa do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Đây là dự án nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới Xứ Lạng của chị Vương Thị Thương - Giám đốc HTX Nông sản Toàn Thương (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng).

Hồng vành khuyên là cây trồng mang lại thu nhập chính cho người dân Văn Lãng. Sinh ra và lớn lên dưới tán hồng, trăn trở việc quả hồng thơm ngon, giòn ngọt nhưng luôn trong nỗi lo được mùa mất giá, năm 2021, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, chị Thương đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất. Tổng diện tích xưởng trên 1.000 m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và máy gọt vỏ, máy hút chân không… Vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, HTX Toàn Thương đã sản xuất thành công sản phẩm hồng vành khuyên treo gió để đưa ra thị trường.

img_20231024_130149.jpg
Chị Vương Thị Thương với sản phẩm hồng vành khuyên treo gió.

Được biết, vụ hồng vành khuyên năm 2022, HTX đã liên kết tiêu thụ với 10 hộ dân và 2 HTX với tổng diện tích 20 ha trồng theo hướng hữu cơ, sản lượng 160 tấn/năm. Dự kiến năm 2023, HTX chế biến 150 tấn hồng tươi, thành phầm 30 tấn, doanh số đạt 12 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng/năm.

Theo chị Thương, sau cuộc thi, chị nhận được nhiều lời mời kết hợp của các nhà phân phối, nhà đầu tư. Thời gian tới, chị sẽ phát triển mô hình theo hướng du lịch trải nghiệm nông nghiệp, để nhiều người biết đến thương hiệu hồng treo gió Lạng Sơn. Đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm, kinh doanh cho 30 phụ nữ dân tộc Tày, Nùng thông qua sản xuất, tiếp thị các sản phẩm hồng treo gió.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đa dạng hình thức hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Trong đó, thực hiện Đề án 939 - Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đã hỗ trợ thành lập 30 HTX, 85 tổ hợp tác, hiện thực hóa 23 ý tưởng khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp của hội viên phụ nữ.

Cùng với mô hình trồng hồng ở Văn Lãng của chị Thương, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả bản địa của hội viên phụ nữ cho hiệu quả cao như: mô hình trồng thông ở Đình Lập, mô hình trồng Hồi, quế Tràng Định… Qua đó, tạo động lực thúc đẩy chị em phụ nữ Lạng Sơn đổi mới tư duy, chủ động, tích cực, sáng tạo triển khai các hoạt động khởi nghiệp, tạo sinh kế bền vững.

Đa dạng hình thức, nội dung hỗ trợ

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn, xác định nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội đã giao chỉ tiêu hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo hàng năm cho các cơ sở Hội, chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cùng cấp, Ban Giảm nghèo của xã để ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phụ nữ tham gia các mô hình sinh kế tại địa phương.

Hội cũng duy trì tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh hằng năm, với các hoạt động thuyết trình, giới thiệu ý tưởng, dự án, trưng bày sản phẩm… Phối hợp tổ chức trên 30 lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho hơn 1.200 cán bộ, hội viên phụ nữ có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Kết nối các chương trình tín dụng chính sách trong hỗ trợ nguồn vốn cho phụ nữ khởi nghiệp với tổng số vốn trên 3,7 tỷ đồng…

Đồng thời, từ năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp bắt đầu triển khai dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Trong đó, các cấp hội đã đẩy mạnh hỗ trợ tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ với các nội dung chính như: Xây dựng thương hiệu; đăng ký tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc; quản lý chất lượng, hỗ trợ kết nối thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm…

img_20230610_171119-1-.jpg
Nhiều hội viên phụ nữ đã tiếp cận các nguồn vốn ưu đã để phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, một số mô hình do Hội hỗ trợ thành lập còn thiếu tính bền vững, tính liên kết thấp, mang tính chất thời vụ, thiếu sự năng động, sáng tạo, sản phẩm của mô hình sinh kế chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng, số lượng để trở thành hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Do điều kiện địa bàn miền núi, biên giới khó khăn, trình độ, khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật của phụ nữ còn hạn chế; còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, không tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn. Cộng thêm nguồn lực hỗ trợ còn nhỏ lẻ, ngắn hạn, chưa tạo đà cho các hộ phát triển các mô hình kinh tế.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho hội viên phụ nữ, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế trong dự án 8.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền,vận động cán bộ hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế, chủ động tham gia các mô hình sinh kế tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành chức năng để hỗ trợ nguồn lực cho các mô hình sinh kế của phụ nữ vùng đồng bào DTTS&MN, ưu tiên hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tham gia các mô hình sinh kế, mô hình giảm nghèo, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi….

screenshot_20230929_075924_gallery.jpg
Những đóng góp của các cấp hội phụ nữ Lạng Sơn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Thực hiện Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các xã, thị trấn biên giới. Đến nay, đã có 15 mô hình sinh kế cho phụ nữ biên cương được hỗ trợ thành lập với trên 1,5 tỷ đồng, chủ yếu là các mô hình chăn nuôi, trồng trọt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Giảm nghèo từ các mô hình sinh kế cho phụ nữ đồng bào DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO