Xã hội

Lạng Sơn: Động lực giảm nghèo trên vùng biên Cao Lộc

Hoàng Nghĩa 25/04/2023 - 16:20

Đóng vai trò cửa ngõ phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, hơn 74km đường biên giới với Trung Quốc, 2 cửa khẩu quốc tế… Cao Lộc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Mạnh Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc.

PV: Xin ông cho biết, tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Cao Lộc thời gian qua? Một số kết quả cụ thể về công tác giảm nghèo mà huyện đã đạt được?

Ông Hoàng Mạnh Cường:

Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm triển khai, nhằm đảm bảo hộ nghèo, người nghèo đều được thụ hưởng các chính sách theo quy định.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia Cao Lộc giai đoạn 2021-2025. Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030 và kế hoạch cụ thể từng năm;

Hướng dẫn triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Hàng năm, triển khai rà soát số hộ nghèo, cận nghèo để có hướng hỗ trợ phù hợp.

Nhờ đó, đến hết năm 2022, toàn huyện còn hơn 1.640 hộ nghèo, chiếm 8,29%; 2.023 hộ cận nghèo, tỷ lệ 10,2%. 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS được cấp thẻ BHYT; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được hỗ trợ về giáo dục. Triển khai 4 mô hình giảm nghèo tại 2 xã Thạch Đạn, Lộc Yên cho 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo….

20230419_102344.jpg
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Hoàng Mạnh Cường.

PV: Để tạo động lực giảm nghèo bền vững cho người dân, huyện xác định các nhiệm vụ trọng tâm nào để triển khai, thưa ông?

Ông Hoàng Mạnh Cường:

Xác định công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo là một trong những nội dung trọng tâm để người dân hiểu rõ, có định hướng thoát nghèo, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đi sâu vào lĩnh vực chính sách xã hội, nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, khơi dậy tinh thần, ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người dân.

Trong các hội nghị tập huấn, triển khai công tác, các cuộc họp giao ban của UBND huyện và các ngành đều đã lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo cho lãnh đạo UBND, cán bộ, công chức các xã, thị trấn và các trưởng thôn bản, khu, khối phố. Năm 2022, huyện đã in ấn sản phẩm truyền thông để tuyên truyền gồm 36.000 tờ rơi về công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; 25.500 tờ rơi về công tác giảm nghèo cho 22 xã, thị trấn.

Song song đó, huyện cũng thực hiện rà soát, hỗ trợ người dân về nhà ở, nước sinh hoạt. Triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm bền vững…

Huyện đã rà soát xoá nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ xây 10 nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí 400.000.000đ từ nguồn quỹ vì người nghèo của huyện và của tỉnh để giúp các hộ gia đình thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.

PV: Trong quá trình triển khai giảm nghèo, Cao Lộc còn gặp những khó khăn, vướng mắc nào thưa ông?

Ông Hoàng Mạnh Cường:

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các chương trình, dự án đầu tư cho đối tượng người nghèo, hộ nghèo trên địa bàn huyện do nhiều phòng, ban ngành phụ trách dẫn đến đôi khi có sự chồng chéo trong triển khai tại cơ sở. Công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở một số xã có lúc còn chưa được thực hiện thường xuyên.

Một số hướng dẫn triển khai của cấp trên chưa kịp thời, thời gian thực hiện tại cơ sở tương đối ngắn dẫn đến ảnh hưởng tiến độ, chất lượng các chương trình. Mặt khác, các tiêu chí được xây dựng để thực hiện giám sát, đánh giá hộ nghèo chưa được cụ thể. Vẫn còn một bộ phận người dân mang nặng tư tưởng ỷ lại, muốn vào hộ nghèo để được thụ hưởng các chính sách, không muốn vươn lên để thoát nghèo.

897_0795.mxf.02_40_30_32.still001.png
Người dân Cao Lộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập.

PV: Để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 và những năm tiếp theo, Cao Lộc đã đề ra những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

Ông Hoàng Mạnh Cường:

Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%/năm, đảm bảo 100% hộ gia đình người nghèo được hưởng thụ đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước với hộ nghèo, xã nghèo về vay vốn tín dụng, giáo dục, y tế, khuyến nông, khuyến lâm…. Huyện Cao Lộc đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo để họ tự vươn lên xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Khắc phục tình trạng đói nghèo thông qua việc khảo sát đánh giá hộ nghèo hàng năm, xây dựng mô hình điểm ở xã để chỉ đạo rút kinh nghiệm. Tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi với hộ nghèo, xã nghèo về BHYT, miễn giảm học phí, trợ giá, trợ cước, hỗ trợ xoá nhà dột nát...

Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền về công tác giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo, nhất là tại các xã, thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai các chính sách, dự án giảm nghèo đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, phát triển kinh tế cửa khẩu và du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư để phát triển KT-XH bền vững…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

img_20230420_140100.jpg
Một góc thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn).

Đến nay, 22/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lộc đã có đường ô tô đến trung tâm, đi lại thuận tiện, các thôn bản có đường bê tông đến trung tâm thôn; 98% hộ dân được sử dụng điện, 97% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 98% chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý… Đặc biệt, năm 2022, toàn huyện đã triển khai gần 70 buổi ra quân vệ sinh, quét dọn, thu gom, xử lý rác phát sinh xung quanh các nhà văn hóa thôn, trụ sở xã, các tuyến đường trục chính, đường liên thôn… với sự tham gia của hơn 24.000 người, góp phần triển khai hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Động lực giảm nghèo trên vùng biên Cao Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO