Lạng Sơn: Đánh giá thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt
(TN&MT) - Chiều 17/7, Sở TN&MT Lạng Sơn tổ chức Hội thảo tổng kết đánh giá Đề án tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Trực – Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn cho biết, Luật BVMT năm 2020 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2022 đã có nhiều điểm mới mang tính đột phá, trong đó có nội dung về phân loại chất thải rắn tại nguồn. Để khuyến khích phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, hạn chế chôn lấp trực tiếp như hiện nay, Luật đã quy định người không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn so với người thực hiện phân loại.
Theo ông Trực, cơ chế giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn. Luật BVMT năm 2020 cũng đã đưa ra quy định thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Trước sự cấp thiết đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” tại Quyết định số 1274/QĐ-UBND ngày 4 tháng 8 năm 2022. Đến nay, Đề án đã thực hiện xong những nội dung cuối cùng và đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể như: Xây dựng được sổ tay hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đáp ứng yêu cầu của Luật BVMT đồng thời phù hợp với tình hình thực tế của Lạng Sơn. Xây dựng được bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tổ chức được 20 lớp tập huấn cho các trường học, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng và các hộ dân trên địa bàn phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn.
Phát hành 165 cuốn sổ tay cho các đối tượng nghiên cứu và các cơ quan liên quan, 300 áp phích cho trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm chợ, nhà hàng và 4.239 tờ tài liệu tuyên truyền cho các học viên tham gia các khóa tập huấn.
Treo 3 bảng tuyên truyền tại Sở TN&MT, Chi cục BVMT và UBND phường Vĩnh Trại; Treo 71 băng zôn tại các điểm trường học, siêu thị, trung tâm thương mại và phường Vĩnh Trại; 30 phướn tại các trục chính tuyến đường thu gom rác thải của TP. Lạng Sơn.
Cùng với đó, hỗ trợ và cấp phát 195 thùng đựng rác thải 3 màu cho trường học và phường Vĩnh Trại; Cung cấp 45 ngôi nhà xanh cho các trường học và 8.000 kg túi đựng rác cho các hộ dân trên địa bàn phường Vĩnh Trại.
Mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được thực hiện thí điểm 1 tháng từ 15/4/2024 đến 15/5/2024. Trong quá trình thực hiện có sự hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra của các cán bộ, để người dân nhận diện đúng loại chất thải và đem bỏ và túi đúng màu, bỏ rác đúng nơi quy định.
Theo thông tin tại Hội thảo, qua triển khai Đề án, nhận thấy người dân nhiệt tình, tích cực hưởng ứng, tham gia các lớp tập huấn và thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, trong các buổi tập huấn cũng tích cực trao đổi, thảo luận….
Tuy nhiên, bước đầu mới thực hiện phân loại chất thải không tránh khỏi còn bỡ ngỡ, đôi khi còn lúng túng trong việc nhận diện loại chất thải, bỏ chất thải còn chưa đúng với quy định, nhưng được sự hướng dẫn và theo dõi kiểm tra, người dân đã nâng cao được nhận thức và biết phân loại đúng theo quy định.
Bên cạnh đó, các trường học cũng đã chủ động sử dụng những sổ tay, tài liệu tiếp tục tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn cho học sinh, để từ đó sẽ tiếp tục lan tỏa những thông điệp tích cực, những lợi ích và giá trị của việc phân loại chất thải tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án, đồng thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ nhằm nhân rộng mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Lạng Sơn ra các địa phương khác.