Là một trong những địa phương có diện tích trồng cây Na lớn của huyện Chi Lăng với hơn 400 ha, xã Y Tịch đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trên địa bàn về lợi ích, ý nghĩa của chương trình OCOP thông qua các cuộc họp ở thôn, xã. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh mở rộng diện tích trồng Na theo quy trình VietGAP. Thực hiện các thủ tục xin cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm Na của xã Y Tịch đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Người dân huyện Chi Lăng chăm sóc Na. |
Nhằm tiếp tục duy trì, giữ vững nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Na Chi Lăng và mở rộng thị trường tiêu thụ Na, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn vùng trồng Na tổ chức sản xuất Na an toàn đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, duy trì các Tổ hợp tác, Ban VietGAP sản xuất Na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, các xã: Quang Lang, Mai Sao, Y Tịch gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vận động thêm các nhóm hộ đăng ký tham gia sản xuất na an toàn trên địa bàn. Kêu gọi, giới thiệu các doanh nghiệp tham gia đầu tư, bao tiêu sản phẩm na Chi Lăng.
Nhờ vậy, năm 2021 diện tích cây Na ước đạt 1.999,6 ha, năng suất đạt 104 tạ/ha, sản lượng đạt 19.000 tấn, giá trị ước đạt 750 tỷ đồng. Trong đó, sản xuất Na trái vụ diện tích khoảng trên 350 ha, năng suất ước đạt 57 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.000 tấn, giá trị ước đạt trên 40 tỷ đồng.
Theo UBND huyện Chi Lăng, để thực hiện chương trình OCOP, sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, quy định về an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, sản phẩm phải có tên, bao bì ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa theo quy định, được niêm yết giá… Chính vì vậy, đòi hỏi người dân phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất.
Để phát triển sản phẩm đáp ứng các yêu cầu này, cùng với việc tuyên truyền, huyện đã vận động người dân thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…; Chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, hộ sản xuất.
Cùng với đó, để chương trình đạt hiệu quả, huyện cũng đã tích cực tuyên truyền các hợp tác xã, hộ dân về ý nghĩa, hiệu quả chương trình; tập trung xác định đúng tiềm năng, lợi thế các vùng tạo ra sản phẩm hàng hóa; chú trọng nâng cao chất lượng, các khâu sản xuất, đảm bảo an toàn đáp ứng đúng bộ tiêu chí sản phẩm OCOP… Từ đó, tư vấn, hướng dẫn các xã đăng ký, làm hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.
Từ những cách làm này, đến nay, huyện Chi Lăng có 6 sản phẩm được UBND tỉnh Lạng Sơn ra quyết định công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm đạt OCOP của toàn huyện lên 12 sản phẩm. Cụ thể: 1 sản phẩm đạt 4 sao là Na Chi Lăng (xã Y Tịch); 5 sản phẩm đạt 3 sao gồm: Na Chi Lăng (thị trấn Chi Lăng); Lạp sườn xông khói, Lạp sườn tươi của Cơ sở sản xuất Bích Trâm (thị trấn Đồng Mỏ); Lạp sườn tươi của Hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng; Măng ớt Hải Yêu của cơ sở sản xuất Hải Yêu (thị trấn Đồng Mỏ).
Theo UBND huyện Chi Lăng, cùng với việc xây dựng các sản phẩm OCOP, thì hoạt động quản lý và sử dụng nhãn hiệu sản phẩm đã được huyện Chi Lăng quan tâm chỉ đạo, tạo những chuyển biến tích cực. Nhận thức về giá trị trí tuệ thương hiệu sản phẩm ở các cấp, ngành, các thành phần kinh tế và nhân dân ngày càng chuyển biến tốt. Kinh phí đầu tư cho sử dụng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm tăng dần qua các năm.
Công tác quản lý, sử dụng hình ảnh, tem nhãn nhãn hiệu chứng nhận được Phòng NN&PTNT phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, các cơ quan chuyên môn liên quan quản lý chặt chẽ, đúng quy định. Công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua sử dụng tem nhãn, nhãn hiệu chứng nhận đang từng bước được phát triển.
Đặc sản Na Chi Lăng được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, ưa chuộng |
Đặc biệt, sản phẩm chủ lực đặc sản Na Chi Lăng đã được quảng bá, giới thiệu ra thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản Na Chi Lăng theo hướng bền vững.