Làng nghề vàng mã Mật Sơn: Nét văn hóa xứ Thanh

Hoàng Anh| 30/12/2019 12:33

(TN&MT) - Làng nghề vàng mã Mật Sơn, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa đã tồn tại và phát triển lâu đời. Những ngày cận Tết Nguyên Đán, tiễn Táo quân về trời, cũng là lúc người dân nơi đây hối hả, gấp rút tạo ra các sản phẩm ông Công - ông Táo đa sắc màu, đây được xem là nét văn hóa đặc sắc của xứ Thanh.

“Thổi hồn” vào từng sản phẩm

Theo quan niệm của người Việt, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân sẽ cưỡi cá chép về trời, tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cách đối nhân xử thế của gia đình trong năm. Với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, người Việt thường làm lễ tiễn ông Công - ông Táo rất thịnh soạn, đầy đủ bằng một mâm cơm truyền thống, bàn thờ được lau dọn sạch sẽ và thay mới ông Công - ông Táo, hy vọng năm tới sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Cơ sở sản xuất vàng mã của bà Châu Thị Thanh tại khu phố Mật Sơn 2, phường Đông Vệ

Nằm giữa lòng thành phố Thanh Hóa, làng nghề vàng mã tại khu phố Mật Sơn (phường Đông Vệ) tồn tại từ những năm đầu của thập niên 90, đến nay đã phát triển và trở thành nguồn cung ứng lớn nhất cho thị trường vàng mã trong tỉnh, các sản phẩm chủ yếu là hình nhân ông Công - ông Táo.

Để hiểu rõ hơn về quy trình tạo ra hình nhân ông Công – ông Táo bắt mắt, chúng tôi tìm đến hộ gia đình bà Châu Thị Thanh (phố Mật Sơn 2, phường Đông Vệ), người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm vàng mã, bà Thanh cho biết: Khoảng hơn 20 năm trước, khi mới bắt đầu vào nghề, gia đình tôi vẫn còn trong diện hộ nghèo, thời điểm ấy vô cùng khó khăn từ vốn liếng, nguồn nguyên liệu cho đến kinh nghiệm, đầu ra sản phẩm. Khi ấy giá mỗi một bộ ông Công chỉ có giá 1.000 - 2.000 đồng.

Bà Thanh luôn tự hào về những sản phẩm mà mình tạo ra

Từng ấy khó khăn không thể nào “cản bước” được người phụ nữ xứ Thanh cần cù, chịu khó. Với mong muốn thay đổi cuộc sống xuất phát từ sự chăm chỉ tìm tòi, sáng tạo và đổi mới mẫu mã, đưa ra thị trường những sản phẩm đẹp mắt và vừa lòng khách hàng, nay bà Thanh đã có cho mình Cơ sở sản xuất vàng mã, đa dạng các mẫu ông Công - ông Táo đẹp mắt, thu hút các thương lái trong tỉnh. Với nhà xưởng có diện tích hơn 350 m², bà Thanh không chần chừ đầu tư máy móc trị giá hơn 400 triệu đồng, doanh thu ước tính 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động địa phương.

“Để làm ra một sản phẩm ông Công phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải tính toán tỉ mỉ, luôn phải tạo ra các mẫu mã mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để kịp đủ số lượng hàng dịp cuối năm, nguồn nguyên liệu được chuẩn bị từ tháng 4 và được đặt từ Hà Nội. Đặc biệt, thời điểm trước Tết một tháng, việc lấy hàng trở nên dồn dập số lượng lớn”. Bà Thanh chia sẻ.

Sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường

Cũng theo bà Thanh, thị trường hiện nay có tính cạnh tranh rất cao, mỗi một bộ ông Công - ông Táo bán ra có giá dao động từ 20.000 – 80.000đ. Lợi nhuận không cao so với công sức và thời gian bỏ ra, thế nên đòi hỏi người làm phải tính toán cân đối sao cho lượng giấy thừa trong quá trình sản xuất là tối thiểu nhất, tránh gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Theo đó, nếu phát sinh lượng giấy thừa bà Thanh sẽ thu gom cho Hội Phụ nữ phố Mật Sơn để bán phế liệu, gây quỹ ủng hộ người nghèo.

Việc áp dụng máy móc công nghệ vào khâu sản xuất giúp cho việc sản xuất trở nên dễ dàng và tốn ít công sức hơn, thế nhưng đối với những hộ sản xuất quy mô nhỏ, lẻ thì việc đầu tư máy móc, công nghệ là không khả thi, một phần vì kinh phí lớn, phần vì họ sản xuất chủ yếu để tiếp nối nghề truyền thống của ông cha, gìn giữ bản sắc văn hóa của cha ông để lại.

Ông Phạm Hữu Tuấn sử dụng phương pháp thủ công để tạo ra sản phẩm

Ông Phạm Hữu Tuấn (phố Mật Sơn 2, phường Đông Vệ) là người có thâm niên trong nghề, là một trong số hộ vẫn áp dụng phương pháp thủ công truyền thống để tạo ra những sản phẩm vào mùa “Táo quân chầu trời”. Ông Tuấn tâm sự “Đến nay nghề đã theo tôi hơn 20 năm, tôi làm cốt để con cháu hiểu được truyền thống của dân tộc, chứ nói về thu nhập cũng không nhiều, ngoài ra còn tạo việc làm cho mấy cháu sinh viên ngoài thời gian rảnh rỗi”.

Ngoài giữ gìn nét văn hóa lâu đời của làng nghề, các cơ sở sản xuất còn tạo việc làm cho người lao động

Việc làm ra các sản phẩm bằng phương pháp thủ công phải trải qua các công đoạn như gấp hộp giấy, bọc và gắn phụ kiện, cuối cùng là trang trí để hoàn thiện. Tuy nhiên, việc đục khuôn các họa tiết là vẫn là khâu vất vả hơn cả, khâu này đòi hỏi người làm phải có độ tập trung cao, thợ phải lành nghề từ đó mới tạo ra được những họa tiết nhỏ, cầu kỳ.

Giá mỗi bộ ông Công - ông Táo dao động từ 20.000 - 80.000đ.

Tập tục “Tiễn Táo quân về trời” đã trở thanh một nét văn hóa đặc sắc lâu đời của người Việt, đó cũng là sự cốt lõi để Làng nghề vàng mã Mật Sơn gìn giữ nét văn hóa ấy. Song, đi đôi với các phong tục, tập quan dịp Tết Nguyên Đán, các hộ gia đình cần cân nhắc việc mua các sản phẩm vàng mã hợp lý, vừa đủ…tránh tình trạng lãng phí, gây ảnh hưởng đến môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề vàng mã Mật Sơn: Nét văn hóa xứ Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO