(TN&MT) - Phát triển ồ ạt, quy hoạch manh mún và thiếu đồng bộ đã khiến làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư luôn là điểm nóng ô nhiễm của tỉnh Ninh Bình. Trên 80 doanh nghiệp và gần 500 hộ dân khai thác, chế tác đá mỹ nghệ “chung sức” đầu độc môi trường, bất kể ngày hay đêm 13 thôn với hàng vạn dân luôn phải “nín thở” vì ô nhiễm.
Chìm trong ô nhiễm
Cách thành phố Ninh Bình chừng 5 km về phía Nam, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân trên 400 năm tuổi nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá vôi. Ngay từ cầu Yên đoạn rẽ vào xã Ninh Vân chúng tôi đã được “tận hưởng” làn bụi mịt mùng bởi hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe tải chạy rầm rầm suốt ngày đêm. Từ xa dễ thấy hai bên đường, những bãi đá ngổn ngang, nhiều hố nước thải tạm bợ trong quá trình sản xuất được đào nham nhở khắp thôn xóm. Môi trường lao động không đảm bảo an toàn, nhiều công nhân chế tác đá không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, kính khẩu trang. Điều dễ nhận thấy khi bước chân đến đây là một thứ âm thanh chát chúa, hỗn tạp được phát ra từ máy mài, cưa, xẻ, tiếng đục đẽo, tiếng máy nghiền đá,… khiến bầu không khí đặc quánh ô nhiễm.
Thợ “nhiều không” ở làng nghề đá.
Chị Đinh Thị Hoa ở thôn Trấn Lữ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư bức xúc: Việc phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường đã xảy ra từ bao đời nay rồi, không hôm nào là không có bụi đá và tiếng ồn phát ra từ các cơ sở chế tác đá và các xe vận chuyển đá. Việc ô nhiễm trầm trọng, kéo dài khiến nhiều người dân bị mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm xoang, phổi... tiếng ồn liên tục đã tác động xấu đến hệ thần kinh, ù tai, mất ngủ,…
Được biết, làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân thực chất có tới 7 làng nghề được tỉnh Ninh Bình công nhận, thế nhưng giờ đây đã phát triển ra khắp 13 thôn trong xã. Nhiều hộ sản xuất xen kẽ trong khu dân cư nên khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
“Dài cổ” chờ và… đợi
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Đình Đoàn – Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Hiện làng nghề có tới hơn 500/2.700 hộ tham gia và có 53/80 doanh nghiệp đóng trên địa bàn là sản xuất đá. Việc ô nhiễm ở đây được xác định có 3 nguyên nhân chính là từ làng nghề, từ xe vận chuyển và từ nhà máy xi măng xả khói bụi, tiếng ồn và nước thải ra môi trường. Trước mắt, để giảm thiểu ô nhiễm thì mới dừng lại ở việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cải tiến công nghệ, tưới nước ở các đường giao thông,…
Ninh Vân luôn chìm đắm trong ô nhiễm bởi bụi và tiếng ồn.
Trước thực trạng trên, năm 2004 UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch xây dựng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích 23 ha thuộc 2 thôn Xuân Phúc và Xuân Thành, được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn I có diện tích 11 ha đã được đầu tư xây dựng và sau khi hoàn thành sẽ triển khai tiếp. Ban đầu, dự án được kỳ vọng sẽ đưa hết toàn bộ số hộ làm đá ra sản xuất tập trung để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ xen kẽ với khu dân cư, gây cản trở giao thông, tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua mới chỉ có 70/500 hộ chuyển đến sản xuất tại làng nghề mới. Giai đoạn II của dự án dù đã được quy hoạch từ lâu nhưng chưa thể triển khai? Lý giải điều này ông Đoàn cho biết vì vướng diện tích đất hai lúa nên phải chờ ý kiến chỉ đạo và quyết định của cấp trên.
Trong khi chờ và đợi thì 2.700 hộ dân của Ninh Vân vẫn phải đối mặt với những hiểm họa, hệ lụy do ô nhiễm môi trường sống gây ra. Không biết đến bao giờ môi trường trong lành mới được trả lại cho bầu trời Ninh Vân?
Bài và ảnh: Anh Tú