Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức. Tham dự trực tiếp có hơn 300 đại biểu và 500 đại biểu trong nước, quốc tế theo dõi trực tuyến.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 2 từ phải sang) tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020. Ảnh: A.Tuấn |
Những nội dung trọng điểm được thảo luận tại Diễn đàn năm nay là bài học đúc rút từ đại dịch Covid-19 và những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021-2030; thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; tăng cường hợp tác công – tư để thực hiện phát triển bền vững.
Tập trung 3 đột phá chiến lược
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD cho biết, chúng ta đang sống trong một thế giới và một xã hội có tốc độ thay đổi vô cùng nhanh. COVID-19 chỉ là điểm khởi đầu của chuỗi những biến đổi mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong thập niên tới đây.
“Mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu có thể còn gây ra những thiệt hại khủng khiếp hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng hiện nay” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần nhìn nhận lại nội hàm của sự “bền vững”. Định hướng phát triển bền vững cần được thấm nhuần trong toàn bộ bộ máy doanh nghiệp, từ cấp lãnh đạo, đến quản lý, và từng cá nhân người lao động.
Theo TS Lộc, thực tế ở Việt Nam, phát triển bền vững vẫn chưa là xu thế chung của tất cả các doanh nghiệp. Sự lan toả còn hẹp khi sự tham gia của doanh nghiệp chưa nhiều trong tổng số hơn 800 nghìn doanh nghiệp.
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI. Ảnh: A.Tuấn |
Do đó, trước hết cần thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận phát triển bền vững như một con đường tất yếu và duy nhất giúp doanh nghiệp trụ vững trên thương trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam mở cửa hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới như hiện nay.
Đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu và áp dụng Bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp. CSI không chỉ dừng lại ở con số 127 chỉ tiêu, mà trên hết, CSI giúp tất cả các doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - hoạch định một lộ trình cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển bền vững, sớm phát hiện những rủi ro cũng như những cơ hội kinh doanh mới, qua đó quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn theo định hướng phát triển bền vững.
TS Lộc nhận định trong giai đoạn 10 năm tới, Việt Nam sẽ tập trung vào 3 đột phá chiến lược: tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật để doanh nghiệp BVMT hiệu quả
Trong khuôn khổ diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chia sẻ về hoàn thiện thể chế pháp luật bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa và ứng phó biến đổi khí hậu để tăng cường năng lực thích ứng và phục hồi của quốc gia, hiện thực hóa Thỏa thuận COP 21. Thứ trưởng cho biết, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Trong khi đó, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, BVMT đã được ban hành cùng với nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường đã được Việt Nam tham gia (hiệp định CPTPP, EVFTA,...) đặt ra yêu cầu cần sớm được thể chế hóa để tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện. Thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã đặt ra cơ hội về đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường, định hình các mô hình tăng trưởng mới cũng như những thách thức về sự dịch chuyển công nghệ cũ, ô nhiễm vào nước ta.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Diễn đàn |
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu liên tục được hoàn thiện, bổ sung. Minh chứng rõ ràng nhất là Luật bảo về môi trường 2020 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 mới đây với nhiều điểm mới mang tính đột phá.
Một trong những điểm đột phá của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đó là thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp.
“Chúng tôi mong muốn, trong thập niên mới, cộng đồng doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội với môi trường, tự bảo vệ, tự quản lý là chính”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường. Trong đó, thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo vệ môi trường không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với quy luật của tự nhiên. Luật BVMT 2020 cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Cùng với đó, bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước. Thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên…
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Luật BVMT 2020. Trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực cần thiết, đặc biệt là xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Xây dựng các mục tiêu để phát triển bền vững trong tương lai
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Peter Bakker – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững toàn cầu (WBCSD) cho rằng chúng ta đã trải qua một năm 2020 đầy khó khăn và thách thức, khi đại dịch toàn cầu đã gây ra những cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng y tế chưa từng có trong tiền lệ. Những cuộc khủng hoảng này cần được giải quyết trên cơ sở hợp tác giữa các quốc gia trên toàn thế giới, để đảm bảo một trạng thái bình thường mới có tính bao trùm và tự cường cho tất cả mọi người.
Theo ông Peter Bakker, xét ở cấp độ toàn cầu và quốc gia, nếu có thể thực sự phục hồi sau COVID-19 thì chúng ta không nên quay trở lại tình trạng cũ, thay vào đó, chúng ta cần xây dựng thế giới tốt hơn, giải quyết các lỗ hổng hệ thống nghiêm trọng đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua, và thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai phía trước".
Đây là thời điểm quan trọng nhất thể hiện được vai trò lãnh đạo dẫn dắt của chủ doanh nghiệp. Việc đầu tiên phải đảm bảo sức khoẻ của nhân viên và khách hàng. Đồng thời, tập trung xây dựng lộ trình trở về “trạng thái bình thường mới” với các kế hoạch phục hồi kinh doanh; tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ để tạo ra một thế giới bền vững hơn giữa các bên liên quan.
"Nếu chúng ta không tạo ra sự thay đổi để thực hiện được 3 điều trên thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quan trọng để tạo ra những thay đổi cần thiết, phản ánh tính kết nối của thế giới và các hệ thống hiện hữu" - ông Peter Bakker nhấn mạnh và nêu rõ, đây là lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng các mục tiêu để phát triển bền vững trong tương lai.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Nhấn mạnh vai trò và nâng cao hành động của doanh nghiệp trong trong việc thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững trong thập kỷ hành động từ năm 2021 đến 2030, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho rằng phải hành động để phát triển bền vững.
“Chính phủ cần tạo ra môi trường thuận lợi về chính sách và phát luật cho doanh nghiệp. Thiết kế các gói hỗ trợ, công cụ hỗ trợ tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững. Đồng thời, cần có sự phối hợp với tổ chức chính phủ, phi chính phủ và các tổ chức khác để phát triển”, bà Caitlin Wiesen đề nghị.
Doanh nghiệp phải vượt qua lợi ích cục bộ và suy nghĩ khác biệt để cùng phát triển bền vững
Khẳng định phát triển bền vững là xu thế của thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch hành động quốc gia, lồng ghép cả 17 nhóm chỉ tiêu chí từ văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chiến lược phát triển của Chính phủ… Mặc dù đã có chiến lược phát triển bền vững và nhiều chỉ đạo đi kèm với chủ trương, chính sách, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy vì sự phát triển bền vững nhưng Phó Thủ tướng cũng thấy tiếc bởi tinh thần phát triển bền vững chưa được lan tỏa. Cho đến nay, trong 700.000 doanh nghiệp trong cả nước thì mới có 100.000 doanh nghiệp (15%) nắm được thông tin, hiểu rõ được về phát triển bền vững và mới có 2.000 doanh nghiệp tham gia chương trình vì sự phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng cho rằng, để lan toả tinh thần phát triển bền vững là rất khó, ngay trong cộng đồng các doanh nghiệp cũng còn nhiều thách thức lớn. Trong đó, thách thức lớn nhất là làm sao cho tất cả mọi người nhận thức được đây là việc phải làm. Muốn làm được ngoài tuyên truyền còn cần khuôn khổ pháp lý để ai đi ngược lại phát triển bền vững phải bị xử lý, ai đi theo xu hướng phát triển bền vững phải được trợ giúp, phân bổ nguồn lực và tôn vinh.
“Để Việt Nam phát triển bền vững, doanh nghiệp phải vượt qua lợi ích cục bộ và suy nghĩ khác biệt để cùng phát triển bền vững. Tinh thần cộng đồng, sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau, nếu được giữ trong lòng mỗi chúng ta và chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, thì thách thức sẽ thành cơ hội lớn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh
Ghi nhận những nỗ lực bền bỉ và đóng góp hiệu quả của trong 10 năm qua của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) để thúc đẩy phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tại chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho đại diện Ban Thường trực VBCSD-VCCI.