Lan tỏa thông điệp xanh

Lan Anh - Hoàng Nghĩa - Đình Tiệp - Lê Hùng (ghi)| 04/06/2020 14:50

(TN&MT) - Tử tế với môi trường chính là thông điệp của các chuyên gia và quyết tâm hành động của nhiều địa phương lựa chọn vì một không gian sống xanh cho hiện tại và cả tương lai.

Ông Nguyễn Vĩnh Phú - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lạng Sơn: Hoàn thành xử lý triệt để 9/9 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn quan tâm, triển khai xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ bảo vệ môi trường về kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.

Công tác kiểm tra, thanh tra được tăng cường. Hàng năm, đều xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đảm bảo ngăn chặn kịp thời, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Vĩnh Phú - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lạng Sơn

Nhóm chỉ tiêu về môi trường đã được đưa vào chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các mục tiêu, nhiệm vụ, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được chỉ đạo thực hiện lồng ghép, gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã dần đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện nếp sống văn hóa gắn với bảo vệ môi trường trong sản xuất và sinh hoạt, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành xử lý triệt để 9/9 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An): Phối hợp gìn giữ các giá trị sinh thái

Hàng năm, Vườn Quốc gia Pù Mát cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương; cùng với chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn và Hạt Kiểm lâm cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCCR.

Một số chương trình hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế trong giai đoạn này như hợp tác với Tổ chức Save Vietnams Wildlife (SVW) trong công tác cứu hộ động vật, nghiên cứu khoa học và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An)

Thiết lập và duy trì thực hiện công tác hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới giữa Vườn Quốc gia Pù Mát và Sở Nông Lâm Nghiệp tỉnh Bolykham xay - Lào.

Hợp tác với Tổ chức động thực vật Quốc tế (FFI) thực hiện chương trình nâng cao hiệu quả bảo tồn, giám sát đối với loài Sao La và Vượn đen má trắng tại Vườn Quốc gia Pù  Mát.

Hợp tác với Tổ chức Bảo tồn rùa Châu Á (Asian Tutle program - ATP) thực hiện dự án “Đánh giá chiến lược tái thả cho các cá thể rùa đầu to nguy cấp được tịch thu tại Việt Nam” trong thời gian 3 năm (từ năm 2019 - 2021).

Ngoài ra, Vườn Quốc gia Pù Mát còn hợp tác với Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên WWF - Việt Nam thực hiện thỏa thuận hợp tác bảo tồn voi.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Đại học Cần Thơ: Cần có cơ chế liên kết bảo tồn đa dạng sinh học vùng ĐBSCL

Đa dạng sinh học của vùng ĐBSCL đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các chính sách phát triển của một số địa phương. Nhiều địa phương muốn kiểm soát thiên nhiên hay trị thiên nên chú trọng về mặt công trình mà quên đi những tác động tiêu cực của nó đến hệ sinh thái. Cùng với đó, việc đưa nước ngọt về vùng mặn để trồng lúa, trồng màu đã làm đảo lộn hệ sinh thái. Khi chúng ta làm những gì đó khác với tự nhiên thì chắc chắn sẽ gây ra những tác động về sinh thái, tính đa dạng sinh học về cây, con; có một số loại cây, con đã sống trong vùng mặn, vùng lợ nhưng bây giờ, chúng ta lại đưa nước ngọt vào làm nhiều cây, con biến mất.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Đại học Cần Thơ

Để bảo tồn bền vững sự đa dạng sinh học ở những vùng nước mặn, nước lợ, nước ngọt khu vực ĐBSCL trong thời gian tới, cùng với sự chủ động của các địa phương, đặc biệt là những nơi có các khu bảo tồn đất ngập nước, khu dự trữ sinh quyển cần có các chương trình, kế hoạch cụ thể bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, các địa phương này cũng cần chủ động liên hệ với cơ quan có thẩm quyền đề xuất hỗ trợ nguồn kinh phí để phục vụ cho chương trình, kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương và toàn vùng.

Các địa phương vùng ĐBSCL cũng có thể cùng tham gia đóng góp ý kiến cho một công trình, dự án mà có nguy cơ gây ảnh hưởng đến những khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyền nếu như được triển khai. Các khu bảo tồn cùng liên kết xây dựng hệ thống dữ liệu về đa dạng sinh học để chia sẻ và tích hợp với nhau. Các địa phương cũng tính tới việc liên kết để phát triển loại hình du lịch sinh thái thông qua các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển. Tại các điểm du lịch sinh thái này, du khách sẽ được trải nghiệm sự đa dạng cây, con bằng xuồng chạy bằng năng lượng mặt thời hay du khách có thể tham gia vào các hoạt động trồng cây, thả chim, cá...

Thạc sỹ Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet): Đầu tư hơn nữa cho nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học

Thời gian qua, các địa phương ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kom Tum… đã có sự phối hợp tích cực với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ ở Việt Nam chung tay bảo vệ đa dạng sinh học như dự án Trường Sơn Xanh; Bảo tồn voọc Chà Vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Thạc sỹ Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet)

Để bảo tồn và ngăn chặn suy thoái đa dạng sinh học, các địa phương cần tập trung đầu tư hơn nữa cho nguồn lực gồm con người (chuyên gia) và tài chính. Trong đó, chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương tương tự như các doanh nghiệp y tế, giáo dục. Hàng năm, các địa phương cần tổ chức gặp mặt tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học bởi vì đây là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia trao đổi hoạt động chuyên môn cũng như tình hình đa dạng sinh học tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa thông điệp xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO