Chương trình nhằm lan tỏa thông điệp về môi trường, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ hiểu và cùng hành động tham gia trong chiến dịch phủ xanh Việt Nam, thông tin và kêu gọi hưởng ứng chung tay thực hiện Festival Tre 2022.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Quốc Khánh - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trước thềm chương trình nghị sự toàn cầu COP27, Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022 (Youth4Climate) vừa được công bố, nhằm đưa ra các nút thắt cùng giải pháp để thanh niên có thể đóng góp vào ứng phó biến đổi khí hậu.
Đây là sáng kiến của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Báo cáo tập trung vào 4 chủ đề chính, gồm: Thanh niên với chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải hướng tới phát thải ròng bằng “0”, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong đó, trồng cây gây rừng đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Đặng Quốc Khánh, thanh niên Việt Nam nhận thức được rằng, ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp thiết ở Việt Nam, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế. Ứng phó với biến đổi khí hậu không phải công việc của một cá nhân hay tổ chức nào mà cần sự chung tay vào cuộc của tất cả mọi người để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu.
“Thanh niên Việt Nam kiến nghị Chính phủ lồng ghép các hoạt động chống biến đổi khí hậu vào các chương trình giáo dục địa phương, nhất là các đối tượng vùng sâu vùng xa bằng cách sử dụng tiếng dân tộc giảng dạy. Đồng thời, điều chỉnh cơ chế giải ngân thật đơn giản, minh bạch để nhanh chóng hỗ trợ thanh niên trong các dự án chống biến đổi khí hậu”, ông Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Diệu Linh - Nhà sáng lập Quỹ Khăn ấm Cho em, đồng sáng lập dự án Thanh Âm Xanh cho biết, Dự án Thanh Âm Xanh có 3 mô hình chính gồm: Làm giàu rừng, tạo sinh kế bền vững và tạo hệ sinh thái công bằng. Chiến dịch “Vì một triệu cây Tre Việt” mong muốn được góp một phần nhỏ bé trong đề án trồng một tỷ cây xanh của Chính Phủ và kỳ vọng vào một tương lai Xanh - Khoẻ. Thanh Âm Xanh tin rằng, những thông điệp được lan toả sẽ khiến cho hành trình Xanh được nhân rộng một nhanh nhất trong không gian đầy biến động này.
“Hành trình “Vì một triệu cây Tre Việt” là điều không hề đơn giản, những con số đặt ra là con số thực tiễn để đong đếm trong đời sống, nhưng hành trình về nhận thức và nâng cao chất lượng sống tinh thần là điều mà nó sẽ lớn hơn bất cứ thứ gì khác. Những điểm chạm của Thanh Âm Xanh không ngoài gì khác là những con người thật, yêu thương, lan toả và sẻ chia để một ngày kia trong tương lai chúng ta sẽ ko hối tiếc vì ngày hôm nay đã cống hiến hết những nỗ lực và nhiệt huyết để cùng lan toả trên hành trình Xanh trước kỷ nguyên mới của nhân loại”, bà Nguyễn Diệu Linh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Trà Tiên Thiên, đơn vị đồng hành cùng chương trình cho biết, công ty rất vinh dự và tự hào khi là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành chè sử dụng sản vật biểu tượng của văn hóa đất Việt - vật liệu tre, đồng thời là nguồn nguyên liệu xanh, bảo vệ môi trường và mang đến giá trị bền vững và sức khỏe cho cộng đồng. Ông hy vọng, công ty sẽ là “ngọn cờ” tiên phong trong việc truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp hướng tới xây dựng một hệ sinh thái xanh, thân thiện với môi trường. Công ty cũng mong muốn được đồng hành cùng người tiêu dùng, nhà phân phối và đối tác để đóng góp nhiều hơn cho việc phát triển bền vững trong tương lai.
Với sự thành công của dự án Thanh Âm Xanh trong năm vừa qua, ông Nguyễn Văn Linh tin tưởng, Chiến dịch vì 1 triệu cây tre Việt năm 2022 sẽ góp phần nâng cao sự thống nhất nhận thức, chia sẻ trách nhiệm và quyết tâm hành động; cùng chung tay nỗ lực thúc đẩy kết nối, lan tỏa thông điệp vì một môi trường xanh – khỏe trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Năm 2021, Dự án Thanh Âm Xanh đã thực hiện chương trình “Thanh âm núi rừng” tại Mù Cang Chải (Yên Bái) với sự tham gia của hơn 200 nghệ sỹ và thực hiện trồng 8.800 cây Tre trên diện tích 8,16 ha. Trong tháng 5/2022, Dự án Thanh Âm Xanh quay lại Mù Cang Chải để thực hiện trồng 10.000 cây Tre Lam về với rừng và dạy âm nhạc tre nứa cho các em học sinh người dân tộc Mông tại đó.