Đây thực ra là chuyện không mới. Những con người ấy cũng không phải là hiện tượng cá biệt. Các cán bộ ấy, mỗi người một “hoàn cảnh”, đều gặp nhau ở một điểm chung: Họ được giao tài sản công để sử dụng cho mục đích sinh hoạt cá nhân và gia đình trong quá trình thực hiện chức vụ Nhà nước; sau khi nghỉ hưu, họ vẫn “cấn cá”, lưu luyến căn nhà đã gắn bó với mình những năm tháng “phục vụ nhân dân” nên chưa trả được.
Thực tiễn cho thấy, có một thời kỳ, chế độ phân phối đã khiến công sản trở lên kém giá trị; và khi đó việc chiếm dụng những khoanh đất, những căn biệt thự “xinh xinh” người ta cứ vô tư làm; để rồi nay chúng biến thành một khối tài sản kếch xù để không ít người vớ bẫm. Chính trong điều kiện đó, sự không minh bạch đã nảy sinh, mà được hưởng là những nơi nắm trong tay quyền ban phát, hoạch định chính sách. Từ những phát hiện ấy dễ nhận thấy, ở đây những đặc quyền vốn đang có đã bị sử dụng một cách quá đáng, tạo đặc lợi quá lớn cho cá nhân người được hưởng đặc quyền ấy.
Ảnh minh họa |
Trong một xã hội có tổ chức, đặc quyền chỉ là ngoại lệ. Và việc xác lập, thực hiện đặc quyền được chi phối bằng các quy tắc chặt chẽ để ngăn ngừa sự lạm dụng. Các quy tắc ấy phải do cơ quan lập pháp ban hành và phải vạch ra một lộ trình cho việc thừa nhận một đặc quyền nào đó, dựa vào việc xác định lợi ích được ưu tiên bảo vệ trên cơ sở sự đánh giá minh bạch và công khai. Việc thực hiện đặc quyền luôn được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của nhân dân, một cách trực tiếp hoặc thông qua cơ quan dân cử. Tuy nhiên, với những điều này chúng ta vẫn chưa làm được để tạo ra một cơ chế phân phối minh bạch và công bằng.
Nhưng nay, trong sự vận hành của một hệ thống pháp lý đòi hỏi phải ngày càng minh bạch thì những điều đó không thể có lý do tồn tại. Hàng trăm ngàn mét vuông đất bị lãng phí, sử dụng sai mục đích cần phải chỉ đúng trách nhiệm của từng cấp quản lý cụ thể. Cũng như vậy, một phần không nhỏ tài sản công bị chuyển thành của tư cần phải trở về đúng vị trí của nó. Trong một xã hội có tổ chức, đặc quyền chỉ là ngoại lệ. Mọi ưu đãi, đặc quyền phải được đặt dưới một cơ chế kiểm soát khách quan nghiêm ngặt, nhằm ngăn chặn tình trạng biến của công thành của tư. Bởi nếu không, sẽ chẳng thể có được sự minh bạch trong một thể chế còn những ưu đãi vật chất, đặc quyền vật chất dành cho cán bộ, công chức.
Quyền lực khi được trao cho một ai đó (hoặc một nhóm đối tượng nào đó), nếu không được kiểm soát bằng một công cụ pháp lý hữu hiệu, đủ mạnh, rất dễ nảy sinh những tiêu cực.
Câu chuyện 12 căn nhà được đề nghị trả lại, dường như chỉ như giọt nước tràn ly. Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vấn đề bây giờ không chỉ là đề nghị trả lại hay thu hồi một, hai căn nhà đã bị chiếm đoạt; thậm chí không phải là thu hồi cho đến căn nhà, miếng đất, chiếc ô tô cuối cùng đang nằm trong tay một cán bộ nào đó; mà cần phải nhanh chóng thủ tiêu hệ thống “ưu đãi”, đặc quyền cư trú nhầm địa chỉ cùng những khuyết tật cố hữu đã và đang tạo điều kiện cho việc bòn rút công sản, công quỹ, cho việc thụ hưởng phúc lợi xã hội trên lưng của người lao động, người đóng thuế.
Cơ chế quản lý đang biểu hiện những lỏng lẻo của mình. Và ở một chừng mực nào đó, tính thượng tôn của pháp luật đã bị xem thường. Sự lộng quyền, lạm dụng đặc quyền để thiết lập cho mình những đặc lợi không nên có đã làm vơi đi không nhỏ hình ảnh thanh khiết mà những công bộc cần có trong mắt người dân.
Nó cũng khiến lòng tự trọng của không ít người bị tổn thương. Khi đức tính chí công vô tư của người cán bộ không có, khi lòng tự trọng chỉ là chuyện “tầm phào” thì đâu có thể nói chuyện phẩm giá!? Song cũng từ đó, nó biểu hiện bản chất của một bộ phận người khi công - tư lẫn lộn. Cái tâm của người quân tử đã bị lu mờ trước vật chất.
Đặc quyền ắt sinh đặc lợi. Nhưng hưởng thế nào, ăn đến đâu… âu cũng là vòng xoáy thử thách lòng người, thử thách cái tâm của kẻ cầm cân nảy mực, đứng trên thiên hạ.