Đây là cuộc thi Gameshow đầu tiên tại Việt Nam về phòng chống thiên tai nhằm tôn vinh lực lượng phòng, chống thiên tai tại chỗ. Xung kích phòng chống thiên tai là những lực lượng ứng phó giờ đầu khi có thiên tai xảy ra. Cuộc thi hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT và thích ứng BĐKH thông qua việc lồng ghép các kiến thức, kỹ năng dưới hình thức gameshow mới mẻ hấp dẫn. Đồng thời, tạo sân chơi lý thú, cuốn hút cho lực lượng PCTT ở cơ sở cũng như đông đảo khán giả truyền hình.
Lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi Xung kích phòng chống thiên tai |
Theo thống kê của BCĐ TW về Phòng chống thiên tai, tính đến tháng 6/2019, cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 8.000 đội PCTT tại chỗ cấp xã, phường. Hiện nay, các địa phương còn lại đang kiện toàn việc thành lập, dự kiến hết năm 2020, phấn đấu 100% các xã, phường của cả nước có đội PCTT.
Ông Lê Quang Tuấn – Phó Vụ trưởng vụ KHCN&HTQT (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết, cuộc thi gồm 21 đội chơi đại diện cho 21 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự vòng chung kết toàn quốc diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 16 -19/7. 21 đội chơi này được chọn lựa từ tháng 9/2019 do các tỉnh, thành lựa chọn trực tiếp tại địa phương hoặc thi chọn. Đây là các đội chơi thuộc những lực lượng nhiệt huyết nhất, có những hoạt động sâu rộng trong cộng đồng. Trong 21 đội chơi có 14 đội thuộc các tỉnh, thành khu vực miền Trung nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai.
Theo đó, vòng chung kết gồm 7 trận đấu loại trực tiếp, 3 trận bán kết và 1 trận chung kết. 11 trận tranh tài kịch tính sẽ được ghi hình và phát sóng trên truyền hình với thời lượng 45 phút/tập, bắt đầu từ ngày 1/8 – 10/10. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai 13/10.
21 đội chơi làm quen tại phim trường vòng thi chung kết |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đã chia sẻ: “Thông qua cuộc thi, các đội sẽ là nòng cốt tiêu biểu giúp truyền tải kiến thức quý báu về phòng chống thiên tai, khích lệ sự tham gia của cộng đồng, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai và tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ từ "Bị động ứng phó" sang "Chủ động phòng ngừa" tại từng địa phương."