Interceptor 003 hạ thủy trên sông Cần Thơ. |
Mới đây, Công ty Coca Cola Việt Nam và Tổ chức The Ocean Cleanup chính thức thông báo triển khai các giải pháp công nghệ ngăn rác thải nhựa trên sông Cần Thơ. Đây là dự án thuộc khuôn khổ hợp tác toàn cầu giữa Coca Cola và The Ocean Cleanup, trong đó sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để làm sạch, hướng đến mục tiêu chung ngăn rác thải nhựa đổ ra đại dương, với bước tiếp cận đầu tiên là xử lý rác thải trên các con sông qua hệ thống làm sạch sông ngòi InterceptorTM.
Hệ thống làm sạch sông ngòi InterceptorTM của The Ocean Cleanup là một cỗ máy tự động với công nghệ thu gom chủ yếu nhờ sức đẩy của dòng chảy và vận hành bằng năng lượng mặt trời có thể thu gom đến 50.000 kg rác trên sông mỗi ngày. Được công bố vào năm 2019, InterceptorTM là giải pháp công nghệ đầu tiên có khả năng triển khai trên diện rộng để ngăn chặn rác thải từ sông ngòi đổ ra đại dương.
Sau nhiều năm lên kế hoạch, hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor 003 với tên gọi René đã được hạ thủy trên sông Cần Thơ để chạy thử nghiệm vào tháng 12/2021. Giải pháp công nghệ tiên tiến này được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động một cách toàn diện trong thời gian tới.
Việc triển khai dự án làm sạch sông ngòi ở Việt Nam lần này được thực hiện với sự hỗ trợ của UBND TP. Cần Thơ và Sở TN&MT Cần Thơ. Hiện Sở TN&MT và các đơn vị quản lý tại địa phương đang nghiên cứu về phương án xử lý rác sau khi thu gom, từ đó mở rộng quy mô dự án một cách phù hợp.
Chia sẻ về dự án, đại diện Sở TN&MT Cần Thơ cho biết, Cần Thơ tin tưởng dự án sẽ góp phần quan trọng giúp thành phố nâng cao năng lực và hiệu quả trong công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trên một số tuyến sông lớn tại TP. Cần Thơ. Góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đến 2030, Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố sinh thái, văn minh hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giữ vững danh hiệu “Thành phố ASEAN bền vững môi trường”.
Cần Thơ - “Thành phố ASEAN bền vững môi trường” đã vinh dự được Getty Images đưa vào danh sách 15 thành phố kênh đào đẹp nhất thế giới |
Dự án này cũng là một phần quan trọng trong chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” mà Coca Cola đang nỗ lực một cách toàn diện để đảm bảo tất cả các vật liệu dùng cho bao bì đều được thu gom và tái chế thay vì trở thành rác thải. Coca Cola đã đặt mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 có thể thu gom và tái chế tất cả vỏ chai và lon mà công ty bán ra.
Là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organzation Vietnam - PRO Việt Nam), tại Việt Nam, Coca Cola đang tích cực hỗ trợ và thúc đẩy các giải pháp thu gom, tái chế phù hợp với từng địa phương thông qua việc hợp tác với nhiều công ty hàng đầu khác cùng các đơn vị tái chế và các cơ quan Chính phủ nhằm thúc đẩy nỗ lực thu gom và tái chế bao bì trong nước, hướng tới một Việt Nam sạch và xanh.
Trong một trả lời phỏng vấn, Tổng Giám đốc Coca Cola Việt Nam - ông Leonardo Garcia cho biết, hiện vỏ chai và lon của họ vẫn được tìm thấy trong số rác thải nhựa đại dương và đây là thực trạng mà Coca Cola không thể thỏa hiệp. Coca Cola mong muốn được hợp tác với các đối tác, giúp phát triển các công nghệ làm sạch đại dương và sông ngòi, trong đó có lưu vực sông Mê Kông - một trong những hệ thống sông lớn tại khu vực Đông Nam Á đang đổ ra đại dương. Thông qua công nghệ mới và các mối quan hệ hợp tác chiến lược, Coca Cola sẽ nỗ lực đóng góp những giải pháp bền vững cho việc thu gom và tái chế chai nhựa tại Việt Nam theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn. Vì thế, việc hợp tác cùng The Ocean Cleanup bắt đầu từ dòng sông Cần Thơ đã và đang mang lại cho Coca Cola niềm tin vào những tác động bền vững trong thời gian tới.
Việc hợp tác này cũng nằm trong chiến lược của The Ocean Cleanup. Là tổ chức chuyên phát triển công nghệ tiên tiến thu gom rác thải nhựa đại dương, mục tiêu của The Ocean Cleanup là loại bỏ rác thải nhựa khỏi các đại dương và tìm kiếm đối tác đồng hành trong quá trình thực hiện. Để thực hiện mục tiêu này, phương pháp tiếp cận của The Ocean Cleanup được triển khai theo hai hướng. Hướng thứ nhất, ngăn nguồn rác thải đến từ các con sông, đồng thời xử lý rác thải đang tích tụ ở đại dương. Đối với hướng tiếp cận thứ hai, The Ocean Cleanup tập trung phát triển những hệ thống quy mô lớn và hiệu quả để lọc rác thải nhựa, loại bỏ rác thải định kỳ. Các rác thải nhựa này được theo dõi, truy xuất nguồn gốc thông qua mô hình chuỗi hành trình sản phẩm của Det Norske Veritas - một trong các tổ chức chứng nhận hàng đầu trên thế giới có năng lực cung cấp dịch vụ chứng nhận cho nhiều lĩnh vực (công nghiệp và dịch vụ như quản lý chất lượng; môi trường; an toàn thực phẩm; trách nhiệm xã hội)… để xác nhận nguồn gốc khi tái chế thành sản phẩm mới. The Ocean Cleanup đã công bố giải pháp cho hướng tiếp cận thứ hai là hệ thống Interceptor™ giúp loại bỏ rác thải nhựa ở sông ngòi trước khi chúng đổ ra biển.
Thành viên The Ocean Cleanup tại Cần Thơ |
The Ocean Cleanup đã gặp Coca Cola ở mục tiêu thứ ba “Cùng hợp tác vì môi trường và đại dương xanh sạch không rác thải” trong Chiến lược Vì một thế giới không rác thải với ba mục tiêu toàn cầu chính bao gồm: (1) Đến năm 2025, 100% bao bì của Coca Cola được làm từ vật liệu có thể tái chế và đến năm 2030, sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì; (2) Đến năm 2030, mỗi lon và chai mà Coca Cola bán ra đều được công ty thu gom và tái chế; và (3) Cùng hợp tác vì môi trường và đại dương xanh sạch không rác thải.
"Tái chế tôi" là thông điệp mạnh mẽ của Coca Cola thể hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất |
Hiện Coca Cola đang đầu tư cho nhiều công nghệ mới, các giải pháp vật liệu bao bì và sáng kiến giảm thiểu bao bì, bao gồm công nghệ bao bì siêu nhẹ, tăng khả năng tái chế, bao bì có nguồn gốc thực vật, và những giải pháp phân phối sản phẩm trực tiếp không cần bao bì.
Và như vậy, câu chuyện rác thải, tái chế rác không đơn thuần chỉ diễn ra trên sông Cần Thơ, cũng không chỉ là nhặt rác và tái chế rác, mà nó phải đi theo xu hướng để một sản phẩm được tận dụng tối đa công năng, tối thiểu thải bỏ bắt đầu từ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và ràng buộc trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, kể cả người xả rác. Đó cũng là lộ trình đưa hoạt động tái chế trở thành ngành công nghiệp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới nền kinh tế xanh bền vững trong tương lai.