Coca-Cola Việt Nam tiếp tục triển khai "Chai nhựa tái sinh, Hành trình tiếp nối"
Coca-Cola Việt Nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm hoạt động và tiếp tục triển khai chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".
Tiếp nối thành công của năm thứ nhất, Coca-Cola Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình "Chai nhựa tái sinh, Hành trình tiếp nối" trong năm 2024. Sáng kiến nhằm truyền cảm hứng cho người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong việc phân loại và tái chế chai và lon đã qua sử dụng.
Lần đầu tiên, Coca-Cola Việt Nam hợp tác với BOTOL lắp đặt các máy thu gom chai và lon tại các khu dân cư và trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Chai và lon sau khi được thu gom sẽ được xử lý để tái chế.
Chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" năm 2024 có cổng thông tin được thiết kế chuyên biệt trên ứng dụng Zalo, với thể lệ đổi quà và các giải thưởng hấp dẫn, nhằm khuyến khích sự tham gia rộng rãi và tận dụng sức mạnh của cộng đồng để hoạt động tái chế hiệu quả hơn.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu: "Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và đang trong quá trình cùng các nước tham gia đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Mô hình kinh tế tuần hoàn cũng đang được chính phủ khuyến khích và triển khai nhằm thực hiện các mục tiêu về môi trường và khí hậu. Với Chiến lược phát triển bền vững, Coca-Cola đang nỗ lực đóng góp vào các mục tiêu trên. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Coca-Cola và kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp đồng hành, chung tay hơn nữa với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành để được mục tiêu bền vững và thịnh vượng kinh tế, vừa đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu."
Được biết trong 30 năm hoạt động tại Việt Nam , Coca-Cola tại Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phát triển bền vững tập trung vào các lĩnh vực: Bao bì, Quản lý nước, Ứng phó biến đổi khí hậu và Hỗ trợ cộng đồng. Thông qua chiến lược "Vì một thế giới không rác thải", Coca-Cola đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu gom và tái chế tương đương 100% số lượng chai và lon mà công ty đã bán ra, đồng thời sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì.