Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thu mẫu nước phân tích, trong vòng mười ngày phải tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm khiến nguồn nước chuyển màu, bốc mùi sau khi trực tiếp đến hiện trường kiểm tra.
Trong những ngày vừa qua, nước tại khu vực đập dâng thuộc công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh) chuyển màu đỏ đen, bốc mùi hôi thối khiến người dân cảm thấy bất an. Được biết, ngay khi phát hiện sự việc bất thường của nguồn nước, hàng trăm hộ dân huyện Vũ Quang đã không dám sử dụng nước của nhà máy lấy từ hồ, mặc dù đã qua xử lý khiến cho đời sống dân sinh nơi đây bị đảo lộn.
Tình trạng nước đập dâng Ngàn Trươi - Cẩm Trang chuyển màu còn khiến hệ thống kênh dẫn nước thủy lợi trực tiếp lấy nước tưới tiêu cho nông nghiệp bị ô nhiễm rất nặng nề. Nghiêm trọng hơn, gần đầy khi xả cống tầng đáy thì xuất hiện nước đổi màu đen đỏ, mùi hôi nồng nặc rất khó chịu.
Trước hiện tượng gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến suy đoán cho rằng, có hai lý do khiến nước chuyển màu: Nước thải của nhà máy sản xuất, chế biến gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt đang hoạt động trên địa bàn. Mặt khác, rất có thể cây cối, thực bì ở khu vực lòng hồ không được thu dọn sạch sẽ, khi ngâm dưới nước, vỏ và lá cây phân hủy dẫn đến ô nhiễm.
Ngày 28/7, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Cục trưởng cục Quản lý công trình - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành thị sát tại hiện trường. Kiểm tra tại một số vị trí có khả năng là nguyên nhân gây ô nhiễm cho đập dâng Ngàn Trươi- Cẩm Trang, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu lấy mẫu quan trắc: “Các ngành chức năng cần tích hợp, tổng hợp toàn diện các tác nhân có thể gây ra thực trạng nước chuyển màu bất thường thời gian vừa qua. Thậm chí đánh giá cả tác động do yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu”.
Tại cuộc họp ngay sau đó với các đơn vị, tổ chức có liên quan, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo phải tìm ra nguyên nhân không để chậm trễ. “Trong vòng mười ngày phải nhận diện, đánh giá khách quan những tác động nào khiến nước trong xanh chuyển sang nâu đục. Với trách nhiệm người đứng đầu tỉnh, tôi chắc chắn tỉnh sẽ trả lời thực sự công tâm, khách quan, đảm bảo tính khoa học, chính xác và kịp thời”, ông Sơn nhấn mạnh.
Quyết tâm sớm làm rõ tác nhân gây ô nhiễm, ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh thống nhất, chỉ đạo phương án xả kiệt nước trong đập dâng để lấy lượng mùn lắng đọng phía dưới đáy đập đánh giá. Ngoài ra, sẽ cô lập các nguồn xả thải khác xả ra đập dâng để lấy mẫu quan trắc, xác định chính xác nguồn gây ô nhiễm.
Được biết, các cơ quan chuyên trách tỉnh Hà Tĩnh sẽ thành lập 1 tổ công tác, do Giám đốc Sở TN&MT phụ trách, cùng với sự tham gia của các đơn vị có liên quan để tích hợp đánh giá toàn diện, tìm nguyên nhân các tác nhân xả thải nhằm đảm bảo việc đánh giá dựa trên cơ sở khoa học.