Hơn hai tháng chờ để được đo thực địa
Năm 2021, chị Phạm Thị Hồng, thường trú tại Buôn E kiêng, xã Eata, huyện Cumgar, tỉnh Đăk Lak trở về quê tiến hành làm hồ sơ, thủ tục để xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng cho 2395 m2 đất tại thôn Ninh Hòa, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) do cha mẹ để lại. Thế nhưng, liên hệ chính quyền để được hướng dẫn các bước trình tự, thủ tục nhưng đến nay vẫn chưa biết đến bao giờ được giải quyết.
Sau nhiều lần tìm gặp, thúc giục, vào đầu tháng 5/2017, chị Phạm Thị Hồng được cán bộ địa chính xã Xuân Phổ chủ động gọi điện thông báo đề nghị có mặt để phối hợp giải quyết, đồng thời triển khai đo thực địa. Vội vàng sắp xếp công việc cơ quan, gia đình, từ tỉnh Đắk Lắc, chị Hồng tiếp tục hành trình trở về quê với hy vọng đây là lần cuối phải đi lại chỉ vì thủ tục cấp đổi bìa.
Phản ánh tới Báo Tài nguyên và Môi trường, chị Phạm Thị Hồng cho biết : “Hoàn thành các thủ tục ở xã, tôi được hướng dẫn lên Trung tâm hành chính công huyện để liên hệ làm các thủ tục tiếp theo. Tại đây, họ (cán bộ ở Trung tâm- PV) giới thiệu qua Văn phòng đăng ký đất đai”.
“Trình bày các nội dung với Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai và được hướng dẫn gặp cán bộ kỹ thuật để nắm lịch đo thực địa. Và với lời hứa trong tuần này sẽ về đo, nhưng không có giấy hẹn”, chị Phạm Thị Hồng nói.
Mọi việc tưởng chừng đã được ấn định, chị Hồng ở lại quê tại nhà người quen để phối hợp theo lịch, bởi lẽ một lần về rất khó khăn. Vậy nhưng, một tháng chờ đợi trôi qua, chị Hồng phải trở lại Đăk Lăk nơi đang sinh sống để tiếp tục công việc và cho đến nay vẫn chưa có hồi âm từ chính quyền.
Chỉ xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chị Phạm Thị Hồng cũng không lường trước được thủ tục lại phức tạp đến vậy. Chính sự thờ ơ, “đủng đỉnh” trong giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị có liên quan đang khiến người dân vô cùng bức xúc.
Tìm hiểu được biết, bản đồ địa chính 299, thể hiện thửa đất 585 tại thôn Ninh Hòa, xã Xuân Phổ có diện tích 2.395 m2, được cấp cho vợ chồng ông Phạm Sỹ Đào, bà Trần Thị Phẩm (bố mẹ đẻ chị Hồng), không có tranh chấp, sử dụng ổn định. Năm 1996, sau khi vợ chồng ông Đào qua đời, gia đình thống nhất ủy quyền cho chị Phạm Thị Hồng làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng cho thửa đất nói trên.
Ngoài ra, theo chị Phạm Thị Hồng, bố mẹ chị là con cả trong gia đình, thửa đất 584 (nằm cạnh lô đất 285 nói trên) do ông bà để lại làm tài sản thừa kế đang có đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng. Tuy nhiên, gần đây chú ruột Phạm Sỹ Lâm đã có đơn kiến nghị đòi lại miếng đất của ông bà để chia. Theo quan điểm chị Hồng, thửa đất này cần phải giải quyết tranh chấp trước theo quy định của pháp luật.
Chính quyền có “đủng đỉnh”...?!
Mặc dù đại diện chính quyền xã Xuân Phổ trả lời: Hồ sơ đã chuyển lên huyện từ đầu tháng năm 2022, đến nay đã hơn hai tháng vẫn “án binh bất động” . Nhưng lý do chưa giải quyết, cấp bìa thì được giải thích “trên huyện” chưa sắp xếp được lịch về đo thực địa...?!.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Anh –Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, cho biết: “Hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chị Hồng đã được hướng dẫn theo đúng trình tự thủ tục, nguồn góc sử dụng đất rõ ràng. Tuy nhiên, ông Anh cũng thừa nhận: Việc giải quyết hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ vẫn còn chậm, đặc biệt đây là công dân ở xa nên việc đi lại nhiều lần sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân là do phải chờ Văn phòng Đăng ký đất đai về đo thực địa mới triển khai các thủ tục tiếp theo.
Trao đổi với chúng tôi sáng 10/7, ông Ngô Đức Tài – Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho hay: “Qua kiểm tra chúng tôi chưa có lịch hẹn nào đo đất thực địa cho chị Phạm Thị Hồng. Mặc dù đơn vị rất nhiều việc, số lượng cán bộ kỹ thuật còn thiếu nhưng nếu có lịch hẹn với dân thì việc thực hiện ngay, không quá trong một tuần”.
“Việc sắp xếp lịch đo thực địa được thực hiện theo hai phương án: Người dân ký hợp đồng với đơn Văn phòng Đăng ký hoặc chính quyền sắp xếp lịch và có thông báo cho chúng tôi. Trong trường hợp của chị Hồng thì chắc chắn chính quyền địa phương là người sắp xếp lịch, có thông báo thì Văn phòng mới cho người xuống đo...”, ông Tài nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tỏ ra bất ngờ khi nhận thông tin: “Việc chậm thực hiện giải quyết như phản ánh rất khó xảy ra, tôi là người phụ trách mảng này nắm rất rõ công việc hàng ngày. Công việc nhận, trả hồ sơ, thời gian giải quyết cho công dân có lịch hẹn rất rõ ràng, được cập nhật hàng ngày lên hệ thống điện tử”.
“Xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, những năm qua huyện Nghi Xuân không ngừng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thực hiện hiệu quả, góp phần giảm chi phí, thời gian cho người dân. Sự việc nêu trên chúng tôi sẽ chỉ đạo, kiểm tra giải quyết, nếu có hiện tượng cán bộ thờ ơ, thiếu trách nhiệm để xẩy ra như vậy cần phải chấn chỉnh ngay", ông Nguyễn Viết Hưng nhấn mạnh.