Làm gì để Hà Nội sạch hơn?: Câu chuyện “ý thức”

06/08/2019 13:09

(TN&MT) - Cùng với các giải pháp khoa học công nghệ, các chính sách, quy định phù hợp và nghiêm khắc về bảo vệ môi trường; yếu tố quyết định để có một Hà Nội xanh, sạch, đẹp đó là ý thức người dân trong việc “vứt rác” cũng như bảo vệ môi trường.

Thói quen xấu

Trên khắp TP. Hà Nội, những bãi đất hoang, dọc những hồ, đầm, ao chưa được xây dựng kè, chắn, đường bao… có thể trở thành điểm tập kết phế thải của bất kỳ ai. Mặc dù, chính quyền nhiều địa phương đã cho gắn biển cấm đổ phế thải, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục. Các đơn vị vệ sinh môi trường cứ miệt mài thu gom dọn dẹp, nhưng chỉ sau một đêm, đâu lại vào đó ùn ứ tràn ra đường.
 

IMG 8691
Rác thải cồng kềnh nằm ngổn ngang ven hồ Giảng Võ, Hà Nội (ảnh chụp sáng 4/8/2019). Ảnh: Việt Hùng

Chị Nguyễn Thị Hoa - Tổ trưởng Tổ thu gom rác Thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức cho biết, ở đây hiện tượng đổ trộm rác, phế thải xuất hiện thường xuyên, sáng nào cũng có. Thậm chí, có những ô tô nhỏ chở rác đến rồi đốt trộm luôn; rồi ở Hạ Thôn, Cao Trung… những nơi khác cũng mang rác ra “vứt trộm”.

“Người dân cứ đem những bao tải lẫn cả rác thải công nghiệp, vải vóc với rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi không có giờ giấc. Không những thế, có khi cả phế liệu, đồ làm nhà cửa hay lợn chết khi vào mùa dịch… làm cho công tác thu gom của công nhân hết sức vất vả”, chị Hoa chia sẻ.

Có lẽ, điều mà những công nhân vệ sinh môi trường như chị Hoa băn khoăn là không phải lúc nào, ở đâu, người dân cũng có ý thức bảo vệ môi trường chung, không vứt rác bừa bãi xuống lòng đường, hè phố. Nếu trong cuộc sống hàng ngày, mọi người đều tự giác giữ gìn môi trường sạch, đẹp, sẽ góp phần tạo lập môi trường sống sạch đẹp hơn và cũng giảm đi bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả cho những công nhân như họ.

IMG 4315
Rác thải vứt bừa bãi ven đường Thành phố Hà Nội

Thay đổi để... sống xanh

Ông Nguyễn Xuân Quý - Phó Giám đốc HTX Thành Công cho rằng, hiện nay, nhận thức của người dân về vấn đề môi trường đã tăng lên đáng kể. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thiếu ý thức BVMT. Để nâng cao ý thức người dân đối với vấn đề vệ sinh môi trường chỉ có cách là họp dân, thông báo, tuyên truyền, vận động, sau đó, có biện pháp thưởng, phạt cụ thể dần dần mới đi vào quy củ.

Về vấn đề này, ông Mai Trọng Thái - Chi cục  trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đề nghị, chúng ta phải làm sao để thu gom được trong ngày; đưa ra quy định giờ thu gom rác. Như ở một số nước, nếu người ta muốn bỏ một cái tủ lạnh phải có tem công nhận, hẹn 10 giờ ngày Chủ nhật đem đến bãi phế thải, đúng giờ đấy phải chở đến, mới được tiếp nhận. Nhưng chúng ta, bất kể ngày, giờ cũng đem rác xả ra đường.

Chúng ta phải xây dựng, nâng cao được ý thức người dân về việc đổ rác đúng nơi quy định, đúng giờ như phường, xã đã thống nhất và thông tin qua loa phát thanh, họp tổ dân phố.

Một vấn đề khác cần quan tâm là sẽ ra sao nếu không có ai đứng ra nhắc nhở hoặc dọn dẹp sạch rác giúp những người đổ rác bừa bãi? Lúc này phải dùng đến luật pháp. Chúng ta đã có luật xử phạt hành vi đổ rác bừa bãi nhưng cách phát hiện như thế nào và xử lý ra làm sao, vẫn còn lúng túng hoặc không tích cực thực hiện. Trong khi đó, nếu áp dụng luật một cách cứng nhắc và đột ngột sẽ khiến nhiều người khó chịu, thậm chí, phản ứng mạnh, nên có lẽ bước đầu các cơ quan chức năng và truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về luật, sau đó, mới bắt đầu áp dụng luật dần dần, nhưng phải thật nghiêm túc.

Hơn lúc nào, người dân cần phải chấp nhận “thay đổi bản thân” để mình được sống trong một thành phố với môi trường thiên nhiên, môi trường sống sạch sẽ, an toàn. Hướng tới để lại cho các thế hệ tương lai một nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để Hà Nội sạch hơn?: Câu chuyện “ý thức”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO