Môi trường

Lâm Đồng quản lý, bảo vệ môi trường: Trách nhiệm không của riêng ai

Đình Du 22/03/2024 - 12:01

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở TN&MT Lâm Đồng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh.

Cải thiện chất lượng môi trường

Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng môi trường. Điển hình như thẩm định tác động môi trường trong quá trình phê duyệt, ra quyết định chủ trương, cấp phép hoạt động cho các dự án đầu tư trên các lĩnh vực. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo môi trường, tỉnh Lâm Đồng cũng chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện môi trường, hạn chế phát triển các nhóm ngành nghề có nguy cơ làm ảnh hưởng đến môi trường; xử phạt nghiêm, rút giấy phép, không cấp phép đầu tư đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh, khai thác tài nguyên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

a1-2-.jpg
Người dân tham gia bảo vệ môi trường

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, ý thức của người dân từng bước được nâng cao, một bộ phận người dân đã có ý thức tự thu gom rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đã xây dựng và đặt các bể thu gom rác tại đầu bờ ruộng canh tác. Tuy chưa giải quyết triệt để những tác nhân gây hại đến môi trường nhưng trên địa bàn tỉnh đã không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

Chính quyền địa phương cũng chú trọng, nỗ lực nâng cao chất lượng sử dụng nước sạch cho người dân nông thôn; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Hiện nay, Tỉnh Lâm Đồng đã dành các nguồn vốn đầu tư hệ thống nước sạch nông thôn, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt gần 90%. Chất lượng vệ sinh môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng cải thiện.

Về công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 3825/KH-UBND ngày 19/6/2017 của UBND Lâm Đồng, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.881 bể chứa và 22 khu vực lưu chứa, thu gom được 130,525 tấn và xử lý 120,670 tấn; đã xử lý trên 456.000 tấn chất thải nguy hại phát sinh, chiếm tỷ lệ 83,49%; gần 100% chất thải y tế nguy hại đã được thu gom, xử lý đúng quy định.

Nâng cao ý thức trách nhiệm

Theo lãnh đạo Sở TNMT Lâm Đồng, công tác quản lý, BVMT trên địa bàn luôn được tỉnh Lâm Đồng chú trọng, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt hiệu quả nhất định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải ra môi trường, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, thể hiện trách nhiệm là tỉnh đầu nguồn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 5.000 hồ sơ môi trường được phê duyệt, trên 90% cơ sở đầu tư mới đáp ứng các yêu cầu BVMT. Công tác quản lý chất thải rắn cũng đạt được một số kết quả, hiện trên địa bàn có 8/12 huyện, thành phố đã và đang đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn. Đối với huyện Đức Trọng, đã quy hoạch Nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung với công suất xử lý 250 tấn rác thải/ngày, 3 huyện còn lại đang sử dụng biện pháp chôn lấp đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhận thức về công tác BVMT của các cấp, ngành, các đoàn thể và người dân trong tỉnh từng bước được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực trong hành động của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Công tác BVMT là trách nhiệm không của riêng ai, không phải của riêng một ngành chức năng quản lý mà được sự quan tâm và chung tay góp sức của mọi tầng lớp xã hội, tạo môi trường phát triển bền vững trên toàn tỉnh.

Ông La Thiện Luân - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Lâm Đồng) cho biết: Sở TN&MT tiếp tục phối hợp trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về BVMT; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về BVMT, phòng ngừa và kiểm soát xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm; tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng dần hạn chế, tiến tới không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực tập trung dân cư, các lưu vực sông, khu vực nhạy cảm, vùng ưu tiên cần phải bảo vệ.

Đồng thời, Sở TN&MT Lâm Đồng tiếp tục đề xuất không phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; nâng cao hiệu quả của ĐTM trong việc sàng lọc, ngăn ngừa công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trong các dự án đầu tư phát triển; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; triển khai nhiệm vụ BVMT làng nghề như nghiên cứu, đưa công nghệ mới, công nghệ thân thiện môi trường vào làng nghề, phát triển các mô hình sản xuất sử dụng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Đồng quản lý, bảo vệ môi trường: Trách nhiệm không của riêng ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO