Lãi suất tăng cao, thị trường BĐS “đứng im”

Thùy Linh| 08/11/2022 15:05

(TN&MT) - Cuối tháng 10, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua từ mức 8%/năm lên mức 11 - 13%/năm sau khi tăng lãi suất huy động. Điều này đã tác động rất mạnh đến tâm lý người dân, nhà đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).

Hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất

Sau khi điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ mức 6%/năm lên mức 8%/năm, các ngân hàng thương mại đã liên tục đưa ra thông báo điều chỉnh tăng lãi suất mua nhà. Nhóm ngân hàng nhỏ lãi suất cho vay mới khoảng 13 - 15%/năm. Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước thường áp dụng biên độ cộng thêm khoảng 3 - 5%/năm thì lãi vay mới sẽ thấp hơn. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất lên mức 10,59%. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nâng lãi suất vay mua nhà từ 7,7%/năm lên gần 10%/năm. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện đang áp dụng lãi vay mua nhà ở mức 11 - 12%/năm tùy gói vay, thời hạn và đối tượng khách hàng.

10.jpg

Lãi suất tăng cao sẽ đẩy thị trường BĐS tới khó khăn

Đại diện Ngân hàng BIDV (chi nhánh Nam Trung Yên) cho biết, lãi suất cho vay mua nhà tháng 11/2022 đã có sự điều chỉnh tăng đáng kể do ảnh hưởng của cuộc đua lãi suất đầu vào. Nếu thị trường trái phiếu tiếp tục bị siết chặt, nhiều khả năng lãi suất huy động từ giờ đến đầu sang năm sẽ tiếp tục phải điều chỉnh tăng lên. Như vậy, người dân vay mua nhà sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Ngay khi các ngân hàng tăng lãi suất cho vay, nhiều người mua nhà hiện đang có khoản vay đều tỏ ra rất lo lắng về khoản tiền đáo hạn trước khoản vay của mình.

Chị Đặng Hải Yến (nhân viên Bưu điện Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị đang có khoản vay 1 tỷ đồng tại ngân hàng Techcombank, theo thông báo từ ngân hàng, đến tháng 12, khoản vay sẽ phải điều chỉnh theo mức lãi suất mới là 11% (tăng 3% theo hợp đồng), khoản tiền trả lãi vay hằng tháng tăng 7,5 triệu đồng lên mức hơn 10 triệu đồng.

“Điều mà tôi lo ngại nhất đó là lãi suất đang có xu hướng tiếp tục tăng lên, vì vậy, tôi buộc phải chấp nhận chịu phạt và tìm cách đáo hạn sớm khoản vay này để đỡ phải trả lãi. ”- chị Yến nói.

Dưới góc độ nhà đầu tư, với mức lãi suất cho vay như hiện nay, không có nhà đầu tư nào chọn cách vay vốn để mua BĐS thời điểm này. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ chỉ sôi động khi lãi suất ở mức thấp và giữ ổn định. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, tín dụng BĐS có phần thắt chặt, cùng đó là động thái tăng lãi suất khiến thị trường trầm lắng. Lãi suất tăng cao khiến thị trường sụt giảm thanh khoản mạnh, nếu như lãi suất tiếp tục tăng, thị trường đã khó sẽ còn khó hơn nữa. Bởi vì, nếu lãi suất tăng cao, đa phần mọi người sẽ đem tiền gửi tiết kiệm, không ai nghĩ đến chuyện đi mua BĐS, thanh khoản thị trường sẽ sụt giảm thêm.

Cần giải pháp tổng thể gỡ khó cho thị trường BĐS

Thị trường BĐS năm 2022 bước vào giai đoạn khó khăn, đặc biệt trong việc huy động các nguồn vốn. Trong khi đó, ngành xây dựng và BĐS chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách. Cụ thể, thu hút nguồn vốn FDI lĩnh vực BĐS năm 2021 khoảng 2,6 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn FDI, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực FDI). Đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính khoảng 1,7 - 1,8 triệu tỷ đồng. Thị trường BĐS là thị trường phức tạp, liên thông, gắn trực tiếp với thị trường tài chính, tiền tệ và các thị trường khác. Theo kinh nghiệm quốc tế, các cuộc khủng hoảng kinh tế thường bắt nguồn từ khủng hoảng thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường BĐS. Do vậy, ngân hàng thương mại cần thiết xem xét điều phối nguồn vốn hợp lý đối với các doanh nghiệp BĐS, tránh ảnh hưởng chung đến thị trường.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, nguồn vốn đổ vào BĐS hiện chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng, vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng mức đầu tư của dự án. Chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường. Trong khi, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào BĐS chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt trách nhiệm các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng đề ra như: Giải pháp liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật; giải pháp về kiểm soát cơ cấu tín dụng BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện cho vay lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật; ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp; huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường…

"Cần tập trung các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát cơ cấu tín dụng BĐS, sử dụng đúng mục đích, cho vay đúng dự án tốt, ưu tiên cho vay nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, kiểm soát vốn từ trái phiếu, cổ phiếu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc dự án đang triển khai. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp thì thị trường bất động sản sẽ dần cải thiện, ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…", ông Nghị nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất tăng cao, thị trường BĐS “đứng im”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO