Lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục
Đầu tháng 7/2020, các Ngân hàng thương mại đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động về mức thấp kỷ lục. Ngân hàng Techcombank trả lãi 3%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Với các kỳ hạn trung và dài hạn, lãi suất huy động được giữ ở mức 4,8% - 5,7%/năm.
Khối các Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến là 3,7% - 4%/năm. Kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến từ 5,5% - 6,5%/năm. Kỳ hạn 12 tháng trở lên cũng chỉ trên dưới 7%/năm.
Ở các Ngân hàng quốc doanh là BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, lãi suất hiện dao động từ 3,7% - 4%/năm cho các khoản tiền gửi từ 1 - 5 tháng; lãi suất từ 4% - 4,5%/năm cho tiền gửi 6 tháng đến dưới 12 tháng và từ 12 tháng trở lên là 5,7% - 6,1%/năm.
Bất động sản đang bị tác động bởi các động tác chống dịch bệnh nên chưa có sự dịch chuyển. Ảnh: Hoàng Minh |
Các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, sau đợt giảm này, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi sẽ đi ngang bởi mức giảm lãi suất huy động từ 1 - 2%/năm đã gần bằng với mức giảm lãi suất cho vay. Trong xu thế này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu lo lắng đến dòng vốn cho các kỳ gửi ngắn hạn tại các ngân hàng. Vì nếu để tiền trong ngân hàng thì dòng tiền của nhà đầu tư gần như sinh lời rất thấp.
Theo lý thuyết thông thường, khi lãi suất hạ xuống mức thấp, thị trường bất động sản sẽ có tác động tích cực do nhà đầu tư có thể mạnh dạn vay để mua nhà. Nhưng thời điểm này, tình thế đã đảo ngược, do bối cảnh kinh tế chung đang khó khăn, người mua ở thực, thu nhập bị tác động vì Covid-19 nên không nhiều người dám vay tiền từ ngân hàng dù lãi suất thấp. Còn giới đầu tư giữ xu hướng quan sát nhiều hơn là xuống tiền. Vì vậy, lãi suất sụt giảm nhưng sẽ khó có làn sóng đầu tư tăng mạnh như kỳ vọng.
Vốn rẻ chưa thể chảy vào nhà đất
Theo báo cáo của Công ty TNHH Savills Việt Nam, nửa đầu năm 2020, TP. Hà Nội ghi nhận 10.300 giao dịch chung cư, giảm 47% so với cùng kỳ. Giá bán trung bình sơ cấp ổn định theo quý, đạt 1.460 USD/m2. Các chủ đầu tư cho biết, trong bối cảnh thị trường “ngủ đông”, nhiều doanh nghiệp muốn giảm giá bán nhà để thu hồi vốn nhanh nhưng việc giảm giá cũng không thể kích cầu được thị trường do khách hàng đều giữ tâm lý chung chờ đợi dịch bệnh kết thúc. Vì vậy, nguồn vốn rẻ từ ngân hàng khó có thể chảy vào bất động sản.
Nhận định về diễn biến thị trường hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường sẽ chưa thấy có dấu hiệu dịch chuyển dòng tiền gửi từ ngân hàng vào lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán. Bởi, lãi suất Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh có 2 loại, lãi suất điều hành không ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất huy động của người dân. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ dưới 6 tháng, giảm từ 4,75%/năm xuống còn 4,25%/năm. Điều này khiến tiền gửi trong hạn này bị ảnh hưởng, nhưng không nhiều.
Lý do nữa là các kênh đầu tư khác đều chênh vênh, chứng khoán dù lên điểm nhưng không có sự ổn định vì còn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Bất động sản đang bị tác động mạnh bởi các động tác chống dịch bệnh nên chưa có sự dịch chuyển. Đây là thời điểm cả thị trường cần nhìn nhận nghiêm túc về cơ hội đầu tư sinh lời trong bất động sản. Những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn chắc chắn vẫn tìm ra cách để tiếp cận mức lợi nhuận mong muốn. Đây cũng là lúc nhà đầu tư chọn cách phân bổ dòng tiền theo xu hướng chắc chắn, chậm rãi và an toàn hơn.
Ông Nguyễn Kim Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Hải Phát Land cho rằng, để kích cầu thị trường bất động sản hiện nay vấn đề quan trọng không nằm ở lãi suất mà nằm ở room tín dụng.
“Room tín dụng bị thắt chặt từ giữa năm 2018 nên ảnh hưởng đến thị trường. Vì thế, nới room tín dụng thì thị trường bất động sản mới có sức bật. Để kích cầu thị trường bất động sản, các chủ đầu tư cần phải kích cầu bằng các gói hỗ trợ lãi suất 0% hoặc các chương trình khuyến mãi với người mua nhà. Từ nay đến cuối năm, nếu dịch bệnh được kiểm soát và room tín dụng dành cho bất động sản được nới thêm thì dòng tiền chảy vào bất động sản sẽ tăng, thị trường bất động sản sẽ tốt lên”.