Lại nói về việc chặt cây xanh ở Hà Nội

16/06/2017 00:00

Cách đây một thời gian ngắn, cả nước xôn xao về chuyện chặt hạ cây xanh Hà Nội, nhân dân Hà Nội bức xúc và thực tế trên đường Nguyễn Chí Thanh và một vài tuyến đường khác, sau khi cây xanh được thay thế bằng những hàng cây mới khẳng khiu trơ trọi và không biết bao giờ mới cho được bóng mát như những hàng cây đã bị chặt hạ. Có lẽ sự trả giá cho việc vội vã chặt cây ồ ạt không đủ sức răn đe nên ý tưởng chặt cây vẫn tiếp tục.

Cây xanh ở nhiều tuyến phố của Thủ đô đã bị chặt hạ, phục vụ cho việc xây dựng các dự án giao thông. (Ảnh minh họa)
Cây xanh ở nhiều tuyến phố của Thủ đô đã bị chặt hạ, phục vụ cho việc xây dựng các dự án giao thông. (Ảnh minh họa)

Cây xanh Hà Nội, đặc biệt những cây cổ thụ đứng “trầm mặc” thế thôi, nhưng có ngôn ngữ và tình cảm riêng, nó là một phần “hồn cốt” của Hà Nội. Ở nhiều nước trên thế giới và ngay tại Trung Quốc gần ta, cây xanh được đánh số, có bác sỹ chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh, họ coi cây xanh như một cơ thể sống. Ở Nhật Bản, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, động đất và sóng thần thường xuyên xảy ra, những hàng cây xanh bên đường được cắt tỉa như những cây bonsai trông thật đẹp mắt. Rõ ràng cây xanh không chỉ lấy bóng mát, không chỉ lọc không khí mà còn tạo nên một không gian đô thị đẹp, gợi cho những người đi xa luôn hướng về Thủ đô.

Nói về việc tiếp tục chặt hạ 1.400 cây xanh Hà Nội, để mở rộng vành đai 3 có cả xây đường trên cao, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng đây mới là phương án do chủ đầu tư và tư vấn của chủ đầu tư đề xuất, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng rất “xót xa” nếu hàng ngàn cây xanh bị chặt hạ, nhưng do sự phát triển không thể làm khác được. Nghe ra thì việc chặt hạ hơn 1 ngàn cây xanh là phương án bắt buộc không còn con đường nào khác.

Tại Thủ đô Manila (Philippines), bên dưới đường trên cao làm chỗ đỗ xe, lối đi bộ vượt qua đường cao tốc. Còn tại TP Quảng Châu (Trung Quốc), có 2 làn xe buýt bên dưới đường trên cao. (Ảnh minh họa)
Tại Thủ đô Manila (Philippines), bên dưới đường trên cao làm chỗ đỗ xe, lối đi bộ vượt qua đường cao tốc. Còn tại TP Quảng Châu (Trung Quốc), có 2 làn xe buýt bên dưới đường trên cao. (Ảnh minh họa)

Có giải pháp nào khác để cứu 1.400 cây xanh?

Trước hết xin hỏi, việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà tư vấn để thực hiện dự án này có thực hiện công khai rộng rãi không? Trong đề bài đặt ra có việc phải đảm bảo tối đa cây xanh không bị chặt hạ không?Chắc là không có!

Nghiên cứu bài viết của KTS Trần Huy Liệu, tác giả đã đề xuất một phương án để mở rộng vành đai 3 có cả xây đường trên cao, hàng cây xanh vẫn được bảo tồn, và diện tích giao thông mặt đất được mở rộng, chúng tôi cho rằng mặc dù nghiên cứu chưa kỹ nhưng phương án này là rất khả thi.

Mặt cắt đường trên cao và hai hàng cây trên đường Phạm Văn Đồng. (Ảnh: VNN)
Mặt cắt đường trên cao và hai hàng cây trên đường Phạm Văn Đồng. (Ảnh: VNN)

Xin hãy đừng lựa chọn các nhà đầu tư, các nhà tư vấn “kiểu này”, cần mở rộng một cuộc thi để lựa chọn thêm những phương án tốt hơn như phương án của KTS Trần Huy Liệu đề xuất, chắc chắn Hà Nội sẽ chọn được một phương án tối ưu vừa đảm bảo dự án thực hiện được nhưng hạn chế chặt cây, đồng thời kết hợp với việc chặt tỉa để hàng cây được đẹp hơn.

Hãy đừng nói đây là phương án bức thiết vì giải quyết ách tắc giao thông Hà Nội mà không thể có thời gian thi tuyển để lựa chọn phương án trong khi Hà Nội đang tiếp tục chuyển nhiều vùng đất cây xanh, đất công trình công cộng sang xây dựng nhà ở cao tầng, chuyển bến xe trong nội thành ra ngoài để tiếp tục xây dựng cao ốc để ở.

Cho vay cũng là một hình thức đầu tư, vì vậy cần phải lựa chọn một nhà đầu tư có tâm và có tầm, vừa xây dựng mới vừa bảo vệ giá trị những cái đã có, như thế thành phố mới phát triển bền vững.

Theo Báo Xây dựng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lại nói về việc chặt cây xanh ở Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO