Lạc Thủy - Hòa Bình: Một chủ trương đúng bị trục lợi?

19/12/2017 15:35

(TN&MT) - Thực hiện chủ trương xây dựng “dự án xây dựng vườn ươm và mô hình thực nghiệm cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao”, năm 2008, UBND tỉnh Hòa Bình đã thu hồi của gia đình ông Lê Quý Mỹ ở xã Cố Nghĩa hơn 22ha đất rồi giao cho huyện Lạc Thủy thực hiện mô hình. Tuy vậy, huyện này chỉ sử dụng hơn 7ha trong số đó, còn lại họ chia cho một số hộ dân để… trồng cam. 

Bài 1: Lạc Thủy Hòa Bình h1
Ông Lê Quý Mỹ (bên phải) cho rằng UBND huyện Lạc Thủy đã sử dụng sai mục đích gần 15ha đất mà gia đình đã bị thu hồi từ năm 2008. 

Thu hồi đất bằng một chủ trương đúng

Trong đơn gửi Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Quý Mỹ nêu rõ: Ngày 1/1/2005, gia đình ông đã ký với Nông trường Sông Bôi - Lạc Thủy - Hòa Bình hợp đồng giao nhận khoán. Theo Hợp đồng đó, Nông trường Sông Bôi giao khoán cho gia đình ông Lê Quý Mỹ diện tích 28,88 ha đất lâm nghiệp đã có cây thuộc Bến Bưởi - đội sản xuất 5 với thời hạn 50 năm (2005 - 2055).

Ông Lê Quý Mỹ cho biết, từ khi nhận khoán, gia đình ông luôn thực hiện đúng theo các điều khoản được ký kết trong hợp đồng giao khoán. Diện tích đất nhận khoán đã được gia đình ông Mỹ sử dụng ổn định và đã thực hiện đầy đủ các quy định về thuế, chi phí quản lý, khấu hao chung. Đồng thời, vợ chồng ông Mỹ luôn thực hiện đầy đủ các quy định của bên Nông trường theo hợp đồng cũng như luôn chăm sóc, bảo vệ diện tích được giao. “Diện tích này là nguồn kinh tế sống còn đảm bảo trang trải các nhu cầu sinh hoạt của gia đình tôi” - ông Lê Quý Mỹ cho hay.

Theo ông Mỹ, ngày 3/11/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 2340/QĐ-UBND về việc thu hồi diện tích 223.950,1m2 đất (hơn 22,3ha) tại thông Liên Hồng, xã Liên Hòa huyện Lạc Thủy do Nông trường Sông Bôi quản lý và sử dụng (số đất này Nông trường Sông Bôi đã ký hợp đồng sử dụng đất 50 năm cho gia đình ông Mỹ) và giao cho Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ cơ sở huyện Lạc Thủy xây dựng vườn ươm và mô hình cây lâm nghiệp.

Ông Lê Quý Mỹ cho biết, khi UBND huyện và tỉnh đến vận động về việc thu hồi đất để xây dựng vườn ươm và mô hình cây kinh tế cao, gia đình ông hoàn toàn chấp hành quyết định thu hồi này, vì nghĩ là dự án này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho những người trồng cây lâm nghiệp như gia đình ông và hơn thế nó còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. “Vì vậy, thủ tục giao lại đất và nhận bồi thường đã được tiến hành suôn sẻ và gia đình tôi không có gì thắc mắc về chủ trương đúng đắn này” - ông Lê Quý Mỹ nói.

 Bài 1: Lạc Thủy - Hòa Bình: Một chủ trương đúng bị trục lợi? H2
Qua quan sát của phóng viên, khu vực mà huyện Lạc Thủy cho rằng để "Xây dựng vườn ươm và mô hình thực nghiệm cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao" có tới 14,6ha giao cho các gia đình làm... kinh tế

Nhưng lại giao 2/3 diện tích để… làm kinh tế

Vẫn theo ông Lê Quý Mỹ, giao đất cho UBND tỉnh và huyện Lạc Thủy từ năm 2008, bẵng đi gần 10 năm, tình cờ ông Mỹ phát hiện ra Ban Quản lý dự án chỉ sử dụng khoảng 7 ha trong số hơn 22,3 ha đất bị thu hồi để thực hiện dự án này. Phần còn lại khoảng 15 ha được chia nhỏ cho các cá nhân khác sử dụng. Ông Mỹ cho rằng: Việc làm này đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.

Trong đơn, ông Lê Quý Mỹ kiến nghị: “Đề nghị UBND huyện Lạc Thủy kiểm tra lại toàn bộ Hồ sơ thu hồi hơn 22,3 ha đất lâm nghiệp của gia đình tôi đã được giao Ban Quản lý Dự án Rừng phòng hộ cơ sở huyện Lạc Thủy xây dựng vườn ươm và mô hình thực nghiệm cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao bao nhiêu diện tích. Diện tích còn lại của gia đình tôi đang do đơn vị, hay cá nhân nào sử dụng?

Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện lạc Thủy giao trả lại cho tôi khoảng 15 ha đất lâm nghiệp đã không sử dụng khi thực hiện dự án vườn ươm và mô hình thực nghiệm cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao? Gia đình tôi sẽ hoàn trả lại số tiền bồi thường tương ứng với khoảng 15 ha đất lâm nghiệp này...”

Lần theo dấu đơn thư của bạn đọc và sau nhiều ngày điều tra, thu thập chứng cứ, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, đơn đề nghị của gia đình ông Lê Quý Mỹ là hoàn toàn có cơ sở. Việc UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi đất của người dân đang trồng rừng kinh tế (trồng Keo và trồng Hồng) để chuyển cho 8 hộ dân khác cũng… trồng rừng kinh tế (trồng Cam) liệu có được người dân nhất là người trực tiếp bị thu hồi đất chấp thuận?

Chuyện của… nhiệm kỳ trước?

Đem những thắc mắc của gia đình ông Lê Thế Mỹ trao đổi với đại diện UBND huyện Lạc Thủy là bà Lâm Thị Kính - Trưởng Phòng TN&MT huyện và ông Ngọ Đình Tâm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy, chúng tôi đều chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Theo hai vị Trưởng Phòng huyện Lạc Thủy: Họ đều mới nhận nhiệm vụ từ gần 3 năm nay. Câu chuyện này xảy ra từ nhiệm kỳ… trước nữa.

Cung cấp tài liệu cho phóng viên và chứng minh việc UBND tỉnh Hòa Bình có chủ trương giao cho Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ cơ sở huyện Lạc Thủy xây dựng vườn ươm và mô hình cây lâm nghiệp là hoàn toàn đúng nhưng khi phóng viên hỏi về việc vì sao lại chỉ sử dụng hơn 7ha còn lại 14,6ha chia nhỏ cho 8 hộ trồng cam… cả hai lãnh đạo đều cho biết, đó là chủ trương của các nhiệm kỳ trước.

Thực địa tại phần diện tích gia đình ông Mỹ bị thu hồi, theo quan sát của phóng viên, đó đều là những vườn cam, vườn bưởi không có khác biệt gì so với các vườn mà người dân khu vực xã Liên Hòa đang canh tác, thu hoạch. 

Rõ ràng, gia đình ông Lê Quý Mỹ kiến nghị việc UBND huyện Lạc Thủy sử dụng chưa đúng mục đích với phần diện tích 14,6ha là có cơ sở. Ngoài ra, nhiều người dân và cả cán bộ thôn Liên Hồng cũng cho rằng chắc chắn có trục lợi cá nhân trong câu chuyện này. Vì sao, sau khi làm vườn thực nghiệm hết hơn 7ha và huyện Lạc Thủy giao đất trồng Cam cho 8 hộ kia thì gia đình ông Lê Quý Mỹ lại không nằm trong số đó?

Rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Hình và huyện Lạc Thủy vào cuộc để sớm có câu trả lời thỏa đáng. Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục trở lại vụ việc . 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạc Thủy - Hòa Bình: Một chủ trương đúng bị trục lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO