Cụ thể, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc |
Từ mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho mỗi chặng đường, các dự thảo Văn kiện Đại hội cụ thể hóa các định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030 cùng các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu nhằm đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới. Trong đó, đáng chú ý là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường...
Xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, gồm những ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với công nghệ thông minh. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao.
Đồng thời, thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển. Phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, ưu tiên những ngành có tiềm năng, lợi thế, những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao; chú trọng các dịch vụ hỗ trợ sự phát triển của công nghiệp và nông nghiệp. Tiếp tục đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý an toàn nợ công; cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô và năng lực phục vụ, hỗ trợ phát triển của Nhà nước. Giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước, nhất là về thể chế, chính sách.
Phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tăng cường tính liên kết ngành, liên kết nội vùng và liên vùng, thúc đẩy tham gia vào các mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra các không gian phát triển mới…
Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện các định hướng nêu trên, cần tiếp tục xác định rõ, chuẩn xác hơn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Đó là: Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai.
Từ đó đề ra giải pháp cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể và minh bạch. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh. Phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ…
Đại biểu Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Đoàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, trả lời phỏng vấn Báo chí bên lề Đại hội. |
Các chuyên gia kinh tế tin tưởng, việc xác định rõ yêu cầu và đề ra các giải pháp hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo, bởi quá trình này sẽ thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng qua cơ chế phân bổ nguồn lực hiệu quả.
Theo đại biểu Lê Đức Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Đoàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt niềm tin rất lớn, kỳ vọng rất cao vào những quyết sách của Đại hội lần này để xây dựng đất nước tiếp tục phát triển vững mạnh. Với những nội dung đã được trình bày trong các dự thảo Văn kiện trình Đại hội cũng như kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của giai đoạn 2021 - 2030 cũng như là tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 thể hiện rõ nét những khát vọng phát triển đất nước của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Có thể nói các cán bộ đảng viên và nhân dân hết sức kỳ vọng, mong muốn Đảng sẽ cụ thể hóa, thể chế những nội dung trong đường lối, chủ trương của Đảng vào các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị để tổ chức triển khai thực hiện thành công các nội dung Nghị quyết, đưa các nội dung Nghị quyết vào cuộc sống.
Đại biểu Lê Đức Thọ cho rằng, những nội dung trong dự thảo Văn kiện lần này đã thể chế rõ ràng hơn việc xây dựng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đây là quan điểm hết sức đúng đắn và bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.
Hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính là lĩnh vực kinh tế tổng hợp của đất nước. Những nội dung đó đã được thể chế vào trong những nội dung cụ thể của dự thảo văn kiện, là điều kiện để tổ chức triển khai thực hiện có kết quả.
Trước những cơ hội lớn do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, để khoa học và công nghệ thật sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây chính là sự thay đổi lớn về tư duy, tạo cú huých cho Việt Nam có động lực tăng trưởng mới, góp phần thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện... Để đạt được những mục tiêu to lớn đề ra, Việt Nam cần xây dựng được nền tảng vững chắc trong giai đoạn 2021 - 2030 và khơi dậy tinh thần, ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ghi dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta không chỉ trong nhiệm kỳ 5 năm tới mà còn cho tầm nhìn dài hạn của đất nước, của dân tộc. Thành công của Đại hội sẽ càng củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, là động lực quan trọng nhất để Việt Nam đi tới thịnh vượng.