Sẽ xử lý 100% rác thải nhựa tại khu bảo tồn biển
Theo báo cáo của một số tổ chức quốc tế, ở Việt Nam, túi ni lông chiếm khối lượng khá lớn trong chất thải nhựa do được cung cấp miễn phí từ các cửa hàng, với mức sử dụng trung bình là 35 túi/hộ gia đình/tuần, mỗi ngày, có hàng chục triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường nhưng chỉ có 27% trong số đó được thu gom, xử lý và tái chế. Như vậy, một lượng lớn rác thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.
Bên cạnh đó, việc thải bỏ hoặc làm mất ngư cụ trong hoạt động khai thác thủy sản, thải bỏ rác thải nhựa trong các hoạt động kinh tế - xã hội khác diễn ra trên biển cũng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Thực tế thời gian qua, việc quản lý rác thải nhựa tại các hải đảo, các khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo.
Để giải quyết vấn nạn này, Kế hoạch hành động đưa ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 phải tạo được sự đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa, thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường và tác hại của rác thải nhựa đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.
Theo đó, sẽ phải giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương; 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu 1 năm hai lần thu gom, làm sạch rác thải nhựa tại các bãi tắm biển; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm hai lần bắt buộc thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại 5 cửa sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại 6 đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo.
Giai đoạn này cũng là thời điểm xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; thiết lập, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về rác thải nhựa đại dương, tích hợp, chia sẻ với khu vực và quốc tế. Đến năm 2030, phải đạt mục tiêu 100% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển.
Phải thực hiện các giải pháp giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Mở rộng quan trắc hàng năm và định kỳ 5 năm hai lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại 9 cửa sông chính và tại 12 đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo.
Đề cao giải pháp truyền thông
Ít thấy một kế hoạch hành động quốc gia nào, truyền thông được đưa lên giải pháp hàng đầu như tại Kế hoạch hành động quốc gia chống rác thải nhựa lần này. Theo ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, đơn vị trực tiếp xây dựng kế hoạch cho biết, có quan điểm này bởi lẽ, Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển, trình độ dân trí và thu nhập còn thấp, nếu ngay lập tức áp đặt các khoản phí, lệ phí hoặc thuế, phạt nặng sẽ khó mà thực hiện. Nếu việc xử lý làm quá chặt chẽ, đôi khi còn phản tác dụng, gây phản ứng xã hội tiêu cực, chính vì vậy, truyền thông nâng cao nhận thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương là giải pháp quan trọng nhất trong giai đoạn từ nay đến 2025.
Theo đó, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng; sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, sự phối hợp giữa cơ quan Trung ương và địa phương trong thực hiện mục tiêu hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Xây dựng các nội dung giáo dục về sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa, tác hại của rác thải nhựa đại dương đến môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người đưa vào chương trình các cấp học với các hình thức và nội dung phù hợp.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Phát động và định kỳ 1 năm 2 lần tổ chức chiến dịch tình nguyện làm sạch bãi biển, các khu vực tập trung rác thải đại dương.
Thúc đẩy, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về sự cần thiết và trách nhiệm tiên phong trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, trong đó, có vật liệu nhựa được tái chế, tái sử dụng theo chu trình liên tục; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc nâng cao nhận thức về hạn chế sử dụng và thải bỏ, khuyến khích tái chế và gia tăng giá trị của các sản phẩm nhựa. Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đồng hành thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp, các sáng kiến xanh về tái chế, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, giải pháp lâu dài cùng kết hợp sẽ là: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền một cách hiệu quả; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên biển bằng các chính sách siết chặt quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ biển. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương .