Phát triển Xanh

Kỳ vọng kết nối xanh trên những nẻo đường Việt Nam: Điện khí hóa giao thông - cốt lõi chuyển đổi năng lượng

Vy Huyền 23/07/2024 - 14:04

(TN&MT) - Nhiên liệu từ các phương tiện là nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu của ngành giao thông vận tải. Điều đáng mừng, người tiêu dùng ngày càng ủng hộ việc sử dụng sang phương tiện xe điện, và sẵn sàng chi trả thêm tiền để sử dụng xe điện có tính năng tương ứng với các loại phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong.

Số lượng xe điện tăng nhanh

Những năm qua, doanh số bán xe điện tại Việt Nam đã có những bước tiến mới khi hàng loạt mẫu xe điện được bán rộng rãi trên thị trường. Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lựợng xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Nếu năm 2021, chỉ có 167 xe ô tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thì đến cuối năm 2023, đã tăng đến hơn 20 nghìn ô tô điện; hơn 11 nghìn xe hybrid (kết hợp sử dụng xăng điện).

photo-2_vinfast-ev-bus.jpg
Hệ thống xe buýt điện, tắc-xi điện bắt đầu được mở rộng ra các tỉnh thành

Hệ thống xe buýt điện với hơn 700 xe, cùng với taxi điện bắt đầu được mở rộng ra các tỉnh, thành. Cả nước hiện cũng đã có hơn 2 triệu mô tô - xe gắn máy điện và hơn 700 nghìn xe đạp điện.

Theo ông Patrick Harverman - Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, sự gia tăng nhanh chóng và đa dạng chủng loại phương tiện đặt ra thách thức về gia tăng nhu cầu các loại chất hiếm và gây áp lực với lưới điện. Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất xe điện trong nước.

Nhưng, điều kiện tiên quyết là Chính phủ cần đẩy nhanh các chính sách cơ bản, như phát triển hệ thống trạm sạc, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải, cùng với quy định mục tiêu bán hàng cho một số đơn vị sản xuất xe điện với số lượng phương tiện điện nhất định. Ngoài ra, các chính sách ngắn hạn như chính sách đỗ xe, quy định về những khu vực đặc thù... có thể giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện được mục tiêu của mình.

Phát triển trạm sạc là điều kiện tiên quyết để xe điện phủ rộng trong tương lai. Ảnh: VinFast

“Một điều rất quan trọng, đó là phải giảm được chi phí xe điện thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng và doanh nghiệp được hỗ trợ giảm thuế, các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp và trợ giá mua hàng... Những chính sách này sẽ giúp thay đổi quan điểm xã hội, tạo ra những động lực mạnh mẽ để thay đổi thói quen tiêu dùng trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp” - ông Patrick nhấn mạnh.

Cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn

Theo một khảo sát mới đây của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, người tiêu dùng chấp nhận và sử dụng đa dạng các loại phương tiện giao thông điện gắn liền với các nhận thức và trách nhiệm ngày càng gia tăng về lợi ích giảm phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, tiết kiệm chi phí vận hành. Phần lớn những người chưa sử dụng cho biết họ mong muốn được chuyển đổi sang phương tiện điện trong tương lai.

Bảng chỉ dẫn tại trạm sạc tạo thuận lợi cho người sử dụng

Mức giá các loại phương tiện giao thông điện trên thị trường hiện nay tương đối phù hợp với mong đợi của đa số người tiêu dùng (xe đạp điện từ 10 - 20 triệu đồng, xe máy điện từ 10 - 40 triệu đồng, ô tô điện từ 550 triệu - 850 triệu đồng). Người tiêu dùng khi quyết định mua hàng sẽ quan tâm đến chủng loại xe, giá thành, các yếu tố an toàn khi sử dụng, tuổi thọ công nghệ pin, thời gian xạc pin, quãng đường di chuyển và ưu tiên có các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật phù hợp. Họ cũng sẵn lòng “rút ví” thêm nếu xe điện có tính năng tương ứng xe xăng, dầu.

Vấn đề cần bàn ở đây, là nguồn điện cho xe điện. Một chiếc xe điện chỉ “xanh” khi nguồn điện sử dụng không gây phát thải ra môi trường. Theo các chuyên gia, nhu cầu sử dụng xe điện tăng lên sẽ là động lực để thúc đẩy tăng nguồn cung điện tử năng lượng tái tạo để bù đắp nhu cầu mà vẫn đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã gửi đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/8/2024. Đề xuất này làm nảy sinh tranh cãi về việc trợ giá sẽ kích cầu các loại xe chạy xăng, dầu và đi ngược lại chủ trương giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Trong khi đó, quý 4 năm nay là thời điểm quan trọng trước thềm Hội nghị COP28 để các quốc gia thể hiện hành động của mình nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã cam kết. Rõ ràng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng hơn để thúc đẩy phát triển xe điện, xe sử dụng năng lượng xanh ở Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, nguồn lực phát triển xe điện hiện nay phần lớn do khu vực tư nhân đầu tư. Về một số chính sách hỗ trợ phát triển xe điện tại Việt Nam, sản phẩm pin nhiên liệu, pin lithium hiệu năng cao, dung lượng lớn thuộc Danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư nên doanh nghiệp sản xuất được ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, các ưu đãi về đất đai, thuế nhập khẩu.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, từ ngày 1/3/2022 - 28/2/2027, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe điện chạy pin tùy theo chỗ ngồi là 1%, 2% và 3%. Từ 1/3/2027 trở đi, thuế suất thuế TTĐB tương ứng là 4%, 7% và 11%. Trong khi đó, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe sử dụng xăng, dầu hiện nay là 15 - 150%. Về lệ phí trước bạ, ô tô điện chạy pin miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí trước bạ trong 2 năm kế tiếp).

Các chuyên gia khuyến nghị, nhu cầu hiện nay là cần bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp xe điện, sản xuất pin xe điện vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Đối với người sử dụng, cần tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với xe điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, ưu tiên đỗ xe; thiết lập các khu vực không phát thải tại vùng lõi đô thị, chỉ phương tiện không phát thải được phép hoạt động; các chính sách trợ giá khi mua xe điện, miễn, giảm lệ phí trước bạ, phí đăng ký biển số, ưu đãi vay vốn, thu phí khí thải đối với xe chạy xăng, dầu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng kết nối xanh trên những nẻo đường Việt Nam: Điện khí hóa giao thông - cốt lõi chuyển đổi năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO