Ký ức Gạc Ma qua những chứng nhân của lịch sử

15/03/2018 12:42

(TN&MT)- Trận đánh Gạc Ma cách đây tròn 30 năm vẫn hằn sâu trong tiềm thức của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là đối với những người cựu binh từng trực tiếp tham chiến...

Ký ức hào hùng

Tròn 30 năm trước (ngày 14/3/1988), máu đã đổ ở Trường Sa khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, bất ngờ xâm lược đảo Gạc Ma của ta. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, hàng trăm chiến sĩ hải quân nước Việt đã anh dũng, kiên cường chiến đấu... Để rồi, 64 chiến sĩ đã nằm lại không thể trở về...
 

Bên những cơn sóng biển, những cựu binh Gạc Ma trò chuyện, nhớ lại đồng đội cách đây 30 năm
Bên những cơn sóng biển, những cựu binh Gạc Ma trò chuyện, nhớ lại đồng đội cách đây 30 năm

Ngày nay khi đã hòa bình, những hình ảnh, câu chuyện về sự kiện bi hùng đó vẫn in sâu trong tiềm thức của nhiều người, đặc biệt là những cựu binh Gạc Ma.

Chúng tôi may mắn khi có cơ hội được gặp những người lính Gạc Ma ngày ấy, được nghe họ kể lại những kí ức đầy cảm xúc của trận đánh trên biển ác liệt.
 

Cựu binh Trần Thiên Phụng (bên trái) cùng đồng đội kết vòng hoa tưởng nhớ các liệt sĩ Gạc Ma
Cựu binh Trần Thiên Phụng (bên trái) cùng đồng đội kết vòng hoa tưởng nhớ các liệt sĩ Gạc Ma

Cựu binh Nguyễn Văn Thống (quê ở Quảng Bình) là một trong những người may mắn trở về từ cõi chết sau trận chiến. Ngồi nhìn lên trời xanh một lát, ông Thống chia sẻ Gạc Ma là trận chiến mà ông nhớ nhất trong suốt cuộc đời mình. Khi trở về, ông mang trong mình vết thương hạng 1/4.

“Tôi nhớ những tháng ngày lao ngục, cực khổ biết bao nhiêu cùng những người đồng đội. Nhớ nhất là hình ảnh của liệt sĩ Trần Văn Phương- Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma trước lúc hy sinh, khi tay anh vẫn còn nắm chặt lá cờ Tổ quốc...”, ông Thống nghẹn ngào.
 

Tình cảm đồng đội luôn cháy bỏng trong tim những người lính
Tình cảm đồng đội luôn cháy bỏng trong tim những người lính

Cũng như ông Thống, cựu binh Trần Thiên Phụng (quê Quảng Trị) không thể nào quên sự kiện Gạc Ma. Theo ông Phụng, ngày đó ông là lính thuộc Trung đoàn 83- Bộ Tư lệnh Hải Quân được nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Sáng sớm 14/3, quân Trung Quốc bất ngờ tấn công lên đảo Gạc Ma, chiến sự bắt đầu nổ ra.

“Khoảng 6 giờ ngày 14/3/1988, các tàu của ta thả neo, cắm cọc neo, chăng dây để kéo thuyền đưa vật liệu vào đảo, làm nơi cắm cờ Tổ quốc trên đảo. Lúc này tàu Trung Quốc cũng thả thuyền nhôm và nhiều binh lính mang theo súng đổ bộ lên Gạc Ma tranh giành cắm cờ. Thiếu úy Trần Văn Phương cùng một số chiến sĩ đứng chặn tốp lính này thì bất ngờ loạt đạn nã về phía anh cùng đồng đội...”, ông Phụng rướm mắt kể.
 

Thắp nén hương tri ân...
Thắp nén hương tri ân...

Loạt đạn tàn khốc khiến tàu HQ 604- nơi ông Phụng cùng các đồng đội đang bảo vệ chủ quyền bị bốc cháy rồi từ từ chìm xuống biển. Đã có 64 chiến sĩ nằm lại nơi đảo xa. Ông Phụng là một trong nhiều chiến sĩ bị thương nặng.

“Khi ấy quân ta thì ít và thô sơ, sử dụng tàu vận tải, còn quân địch thì đông lại được trang bị vũ khí, tàu chiến hiện đại. Chúng chuẩn bị từ trước, chủ động tấn công còn bộ đội ta dù bất ngờ nhưng vẫn quyết tâm bám trụ...”, ông Phụng nhớ lại.

Lịch sử ghi danh

Vào những ngày tháng 3 này, để tri ân tưởng nhớ những người đồng đội, nhiều cựu binh Trường Sa đều thể hiện tình cảm bằng những hành động khác nhau, có thể là tổ chức gặp mặt để cùng thả hoa đăng, làm một mâm cơm cúng vọng ra biển, thắp hương khói, cùng quây quần bên nhau chuyện trò...

“Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng”, đó chính là lời mà những người cựu binh Gạc Ma luôn truyền tai nhau để tự nhắc nhở mình và đồng đội hàng chục năm qua.
 

Mãi nhờ về đồng đội nơi đảo xa của Tổ quốc
Mãi nhờ về đồng đội nơi đảo xa của Tổ quốc

Cựu binh Trần Quang Dũng (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) may mắn sống sót và sau khi xuất ngũ đã trở về quê hương miền biển của mình. Suốt 30 năm trôi qua ký ức về đồng đội một thời vẫn luôn thôi thúc ông hướng về với biển. Và vì thế ông đã quyết bám biển nơi quê nhà để mưu sinh dù biết cực khổ...

“Mình đã vay tiền đóng một con tàu nhỏ ra khơi đánh bắt, vừa gìn giữ nghề truyền thống vừa làm bạn với biển, nơi có quá nhiều kỷ niệm...”, ông Dũng tâm sự.

Theo ông Dũng, hằng năm cứ đến ngày 27/1 âm lịch, dù đang đánh bắt hay ở nhà, ông Dũng cùng bạn thuyền cũng làm một mâm cơm nhỏ, thắp nén hương hướng về Biển Đông nơi các đồng đội ông nằm lại. “Nén hương lòng tuy nhỏ, nhưng để ấm lòng các anh em đã nằm xuống cho chúng tôi được sống đến hôm nay. Không một ai bị lãng quên, bởi chúng tôi luôn nhớ về những người đồng đội của mình”, ông Dũng bùi ngùi.

Trưởng ban liên lạc cựu binh Gạc Ma- Lê Hữu Thảo chia sẻ, dù hiện tại mỗi người ở một nơi và hầu hết đều khá khó khăn nhưng những người lính trong trận đánh bảo vệ đảo Gạc Ma ngày xưa vẫn thường xuyên giữ liên lạc, quan tâm, hỏi thăm sức khỏe lẫn nhau.

“Trong những ngày tháng 3 như thế này họ lại tìm về bên nhau cùng ôn lại chuyện cũ và tri ân tưởng nhớ đồng đội của mình. 30 năm thời gian rất là dài với một đời người, nhưng với tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh đồng đội ngã xuống. Rất buồn, rất đau và thực sự chạnh lòng. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó, dù là nhỏ nhưng phần nào an ủi thân nhân liệt sỹ và những cựu binh đang còn sống...”, ông Thảo nói.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức Gạc Ma qua những chứng nhân của lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO