Kỳ Thượng (Quảng Ninh): Dự vào hệ sinh thái bản địa để thoát nghèo bền vững.

Phạm Hoạch| 14/04/2023 14:41

(TN&MT) - Xã Kỳ Thượng, một trong những xã vùng sâu, vùng xa nhất của TP.Hạ Long, đây là địa phương có thế mạnh diện tích rừng, đặc biệt khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng với diện tích 390 ha, được ví như “lá phổi xanh”, hệ sinh thái đa dạng, hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm cùng phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây chính là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng, cũng là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, hướng tới thoát nghèo bền vững cho người dân.

Điểm tựa để thoát nghèo…

anh-qn-01.jpg
Du khách chèo thuyền khám phá những con suối tại khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm, xã Kỳ Thượng, TP.Hạ Long

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, cho biết, xã còn có rừng đầu nguồn, rừng sinh thủy nên nguồn nước khe suối rất trong mát, đảm bảo vệ sinh môi trường đồng thời các khe suối chảy quanh địa hình của địa phương tạo ra cảnh quan thiên nhiên đẹp và hệ sinh thái phong phú, đa dạng.

Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên và khát khao được giới thiệu, lan tỏa những giá trị, vẻ đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, anh Nguyễn Trung Kiên, sau nhiều năm ấp ủ đã quyết tâm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm, tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP.Hạ Long.

Anh Kiên cho biết, vốn là một người yêu thiên nhiên, đam mê du lịch, thích khám phá, trải nghiệm, sau những lần đến với núi rừng và bà con vùng đất Kỳ Thượng, tôi đã quyết tâm cùng người thân bắt tay vào làm du lịch, vừa quảng bá du lịch địa phương, liên kết cùng cộng đồng sinh lợi, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch bền vững và tạo việc ổn định làm cho người dân tộc thiểu số ở đây

Anh Bàn Văn Huy, người dân tộc Dao, hồ hởi khoe: Được công ty nhận vào làm, tôi đã có việc làm và thu nhập ổn định, giúp gia đình vươn lên thành hộ khá giả trong thôn.

Nhiều mô hình hay

Ông Thanh cho biết, thời gian tới, địa phương đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch thông qua các sản phẩm du lịch đặc trưng của Kỳ Thượng đến với du khách thăm quan Hạ Long, khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào Dao Thanh Phán, trải nghiệm món ăn đặc trưng của Kỳ Thượng. Đồng thời, tận dụng địa hình khe suối có thể cải tạo lòng suối để có thể đi thuyền ngắm cảnh hai bên bờ suối tự nhiên gắn với tour trải nghiệm do người bản địa dẫn đường để khám phá thiên nhiên trong khu bảo tồn, đỉnh núi Thiên Sơn.

anh-qn-02.jpg
Mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh Trần Văn Mạ, tại xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên đem lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm

Một trong định hướng phát triển của Kỳ Thượng, cũng như nhiều xã vùng cao của TP.Hạ Long đó là hướng đến phát triển du lịch bền vững, phát triển thêm mô hình dịch vụ mới nhưng vẫn bảo vệ toàn diện rừng tự nhiên, bảo vệ tài nguyên nước, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa bản sắc đồng bào dân tộc Dao.

Được biết, năm 2021, qua tìm hiểu, học tập kinh nghiệm nuôi cá tầm, anh Trần Văn Mạ, dân tộc Sán Chỉ, thôn Khe San, xã Phong Dụ, huyện Bình Liêu đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng để xây dựng trang trại bể nuôi, mua hơn 6.000 con cá tầm giống từ Sa Pa, Lào Cai về nuôi. Sau hơn 1 năm chăm sóc, cá được thương lái bao tiêu 100%, bước đầu đem lại thu nhập hơn 300 triệu đồng. Từ sau lần nuôi thành công đó, anh Mạ có thêm động lực và kinh nghiệm trong việc nuôi cá tầm, nhờ đó mà thu nhập hàng năm của gia đình được ổn định và vươn lên thành gia đình khá giả trong xã.

Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, đối với các xã vùng cao tại các huyện miền núi Bình Liêu, Tiên Yên nơi có điều kiện tự nhiên, nguồn nước để đàn cá tầm, cá hồi sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, người nuôi cần phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước lạnh sạch, khử trùng, đo nhiệt độ nước đúng tiêu chuẩn. Đồng thời, trong quá trình nuôi cá, người dân cần quan tâm bảo vệ môi trường, nguồn nước, không có các hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường tự nhiên.

anh-qn-03.jpg
Hồ Yên Lập- hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ninh cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh

Đây cũng là hướng phát triển bền vững nhằm phát huy các lợi thế tự nhiên, nguồn nước từ đầu nguồn tại các xã vùng cao để khuyến khích bà con DTTS ở địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá tầm, hướng đi mới tiềm năng góp phần vào hành trình giảm nghèo ấn tượng của Quảng Ninh trong những năm qua.

Nhằm gìn giữ nguồn nước, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Quảng Ninh đặt ra mục tiêu duy trì và đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh (176 hồ chứa nước đang hoạt động, 102 trạm bơm tưới, tiêu các loại, 460 đập dâng nước): Giai đoạn đến năm 2025 sẽ sửa chữa, nâng cấp 39 hồ chứa, 36 đập dâng, 6 trạm bơm, cải tạo hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước đảm bảo đồng bộ, phù hợp với kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên khu vực; Giai đoạn 2026-2030 sửa chữa, nâng cấp 25 hồ chứa, 20 đập dâng, 47 trạm bơm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ Thượng (Quảng Ninh): Dự vào hệ sinh thái bản địa để thoát nghèo bền vững.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO