Kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Xây dựng, đổi mới và phát triển

Mai Đan (thực hiện)| 12/11/2020 10:48

(TN&MT) - Trải qua chặng đường lịch sử 65 năm truyền thống xây dựng và phát triển Nhà trường, đặc biệt, trong 10 năm kể từ khi Trường được nâng cấp lên Đại học, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã có nhiều giải pháp, sáng kiến để đưa Trường thành trường đại học trọng điểm về lĩnh vực TN&MT, ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực và tiệm cận với các cơ sở đào tạo đại học uy tín quốc tế; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành TN&MT.

Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Hoàng Anh Huy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học TN&MT Hà Nội.

PGS.TS. Hoàng Anh Huy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học TN&MT Hà Nội

PV: Là trường Đại học trọng điểm về đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực ngành TN&MT trên cả nước, ông có tư duy như thế nào về tầm quan trọng của công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực này cho đất nước, thưa PGS.TS. Hoàng Anh Huy?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy:

Trong nhiều năm qua, các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn cả nước đã có nhiều cơ hội phát triển ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác, sử dụng, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tuy vậy, trong đó, có rất ít các trường đào tạo các ngành liên quan đến tài nguyên và môi trường; cơ cấu phân bổ chỉ tiêu cho các ngành liên quan cũng không cao.

Chẳng hạn, trong 481 trường đại học, cao đẳng, có khoảng 80 trường (chiếm 16.66%) đào tạo các ngành liên quan đến tài nguyên và môi trường.

Trường Đại học TN&MT Hà Nội với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế dưới tác động của biến đổi khí hậu. Hội đồng trường, Ban Giám hiệu cùng tập thể đội ngũ giảng viên, công nhân viên chức nhận định rõ được vai trò và tầm quan trọng của việc đào tạo, cũng như phát huy tốt nguồn nhân lực này. Do đó, công tác đào tạo được nâng cao chú trọng đảm bảo phù hợp chuẩn đầu ra của ngành, phù hợp với vị trí việc làm và người học tiệm cận được yêu cầu của khu vực và quốc tế.

PV: Thưa ông, để đáp ứng cho việc đào tạo nhân lực ngành TN&MT, trong 10 năm qua, Nhà trường đã có những đổi mới như thế nào trong công tác đào tạo?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy:

Trải qua bề dày của lịch sự phát triển hơn 60 năm qua, đặc biệt từ khi được nâng cấp thành trường đại học (ngày 23/8/2010), cho đến nay, Nhà trường đã có nhiều thay đổi mới, tiến bộ trong công tác đào tạo. Cụ thể, Nhà trường đã cập nhật, phát triển về chương trình đào tạo, từ đào tạo theo hình thức niên chế sang đào tạo theo tín chỉ; chương trình đào tạo được xây dựng theo cách tiếp cận chuẩn của khu vực và quốc tế, có sự tham gia đóng góp của các nhà giáo, nhà khoa học... và đặc biệt là sự hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT về xây dựng chương trình và tổ chức thực hành, thực tập, gắn lý thuyết với thực tế và nhu cầu của xã hội; đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm. Điều này giúp sinh viên, người học chủ động trong việc học tập, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.

Ngoài ra, về giáo trình, tài liệu được Nhà trường biên soạn phù hợp, có tính ứng dụng cao trong thực tế và chuẩn hóa, đảm bảo theo chất lượng của Bộ GD&ĐT quy định; nguồn tài liệu cũng được Nhà trường đầu tư đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả cao trong công tác nghiên cứu, học tập của đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng như người học.

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chú trọng nâng cao chất lượng quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và phục vụ người học.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học TN&MT Hà Nội

PV: Để thúc đẩy những sáng kiến, đổi mới trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành TN&MT, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhà trường đã gặp những khó khăn và thuận lợi gì, thưa ông?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy:

Để đạt được những thành tích đáng kể trong 10 năm qua, cũng như thúc đẩy sáng kiến đổi mới trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã nỗ lực cố gắng, cùng với sự góp sức, đồng hành của Ban lãnh đạo, các cán bộ, công nhân viên trong Nhà trường, đi tắt đón đầu, mạnh dạn đầu tư và đổi mới công tác đào tạo gắn liền nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó là sự quan tâm của đơn vị chủ quản - Bộ TN&MT. Đây chính là những điểm thuận lợi với Nhà trường trong quá trình làm việc và đào tạo nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, song song với đó cũng là những thách thức đối với Nhà trường. Vào thời điểm Trường mới nâng cấp từ Cao đẳng lên Đại học còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong việc thay đổi tư duy quản trị nhân lực, đội ngũ trình độ về chất lượng cao còn khiêm tốn, cơ sở vật chất cũng hạn chế nên cần phấn đấu và nâng cấp hơn nữa. Trong thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát, cũng như nhiều trường đại học trên cả nước, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã gặp một số khó khăn trong công tác giảng dạy, đào tạo cho sinh viên, học viên. Những kế hoạch, dự định của Trường cũng bị ảnh hưởng và cần điều chỉnh lộ trình thực hiện.

PV: Theo ông, sự phát triển của đất nước có phải là động lực thôi thúc sự đổi mới giáo dục của ngành TN&MT, ông có thể nói rõ về quan điểm này?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy:

Có thể thấy, sự phát triển của đất nước gắn liền với nhu cầu tăng cường tiềm lực, đi trước một bước của khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, nhất là những lĩnh vực thuộc ngành TN&MT. Muốn vậy, giáo dục ngành TN&MT cần phải đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập với quốc tế, cũng như định hướng tập trung ưu tiên cho các nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực ngành TN&MT, đáp ứng nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Những điều này cũng chính là động lực thôi thúc sự đổi mới giáo dục của ngành TN&MT, có ý nghĩa to lớn đến sự phát triển và nắm bắt những cơ hội, giải quyết những thách thức trong tiến trình phát triển của đất nước ta.

Ngoài ra, trong sự phát triển của đất nước cũng đặt ra những bài toán cần giải quyết thỏa đáng giữa lợi ích về kinh tế với yêu cầu bảo vệ môi trường, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước, khai thác có hiệu quả và lâu dài các nguồn lực phát triển, trong đó có tài nguyên. Vì vậy, giáo dục ngành TN&MT coi đó là động lực, cần phải đổi mới trong công tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn và phục vụ cộng đồng, đáp ứng trước yêu cầu mới đặt ra khi đất nước phát triển trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn chiến lược về sau.

PV: Để ngày càng đáp ứng tốt cho việc đào tạo nhân lực ngành TN&MT, Nhà trường đã đưa ra những giải pháp như thế nào, xin ông cho biết?

PGS.TS. Hoàng Anh Huy:

Đứng trước những yêu cầu đặt ra đối với nhân lực ngành TN&MT như đã nói ở trên, Nhà trường đã xác định và đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này, gồm 6 nhóm giải pháp chính phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo đó, các nhóm giải pháp gồm: đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao vị thế của Nhà trường; xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu trình độ cao; phát triển và quản trị cơ sở vật chất; đổi mới căn bản, toàn diện phương pháp dạy và học, bảo đảm chất lượng đào tạo; tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ đối với các lĩnh vực truyền thống, mũi nhọn; phát triển dịch vụ và đa dạng hóa nguồn lực tài chính.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Xây dựng, đổi mới và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO