Kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X: Thảo luận, thông qua nhiều nội dung liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Nguyễn Quỳnh| 09/12/2021 10:04

(TN&MT) - Tại Kỳ họp thứ 4 (diễn ra từ ngày 7 - 9/12/2021), HĐND TP.HCM đã thảo luận, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường sẽ được áp dụng từ năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất

Theo UBND TP.HCM, nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất để từng bước tiệm cận với giá thị trường. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, đặc biệt là trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn.

Do đó, UBND TP.HCM cho rằng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 cần giữ nguyên như Quyết định số 18/2021/QĐ-UBND ngày 8/6/2021 của UBND TP.HCM về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021, chỉ cập nhật một số căn cứ pháp lý và góp ý điều chỉnh của Sở Tư pháp cho phù hợp như: bổ sung cụm từ “Chi cục Thuế khu vực” vì hiện nay, thành phố đã sáp nhập một số Chi cục Thuế quận, huyện thành Chi cục Thuế khu vực như Chi cục Thuế khu vực quận 7 - Nhà Bè, Chi cục Thuế quận 12 - Hóc Môn; sửa đổi Điều 6 về hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022…

Kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X diễn ra từ ngày 7 - 9/12

Thẩm tra Tờ trình của UBND TP.HCM, Ban Kinh tế ngân sách, HĐND Thành phố kiến nghị  UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức rà soát cập nhật, bổ sung đầy đủ danh mục các tuyến đường, hẻm trên địa bàn nhằm đảm bảo việc tính đúng, tính đủ, tránh thất thu thuế. Trong quá trình xây dựng ban hành hệ số điều chỉnh giá đất của những năm tiếp theo, cần lưu ý về nguyên tắc và phương pháp định giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường nhằm đảm bảo nguồn thu từ đất cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội.

Thông qua danh mục 27 dự án cần thu hồi đất

Tại Kỳ họp, UBND TP.HCM đã kiến nghị HĐND Thành phố thông qua Tờ trình Danh mục các dự án cần thu hồi đất năm 2022 trên địa bàn thành phố. Về Danh mục dự án cần thu hồi đất, có 15 dự án cần thu hồi đất trong năm 2022 với tổng diện tích thu hồi đất 31,8ha; về Danh mục dự án cần  thu hồi đất có đất trồng lúa, có 12 dự án với tổng diện tích thu hồi là 16,24ha, trong đó có 4,6ha đất trồng lúa. Đối với phần diện tích đất trồng lúa trong các dự án cần thu hồi đất, sau khi UBND TP.HCM phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện sẽ báo cáo, trình HĐND TP. HCM Danh mục các dự án có chuyển mục đích đất trồng lúa theo đúng quy định.

Trong 15 dự án cần thu hồi đất năm 2022, đáng chú ý là Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa và khu tái định cư (15,28ha); xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất (16,05ha); sửa chữa và nâng cấp đường Nguyễn Hữu Tiến (quận Tân Phú); chỉnh trang hẻm 30 đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1). Ngoài ra còn có các công trình, dự án như: kè chống sạt lở ven rạch Mốc Keo bảo vệ khu dân cư ấp An Hòa (huyện Cần Giờ); xây dựng đường Tân Hiệp 9 (huyện Hóc Môn); xây dựng nút giao thông An Phú (TP. Thủ Đức)…

TP.HCM thông qua Danh mục 27 dự án cần thu hồi đất năm 2022

Đối với Danh mục 12 dự án cần thu hồi đất (trong đó có đất trồng lúa), có 2 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha gồm Dự án đường dây 500kV Củ Chi - Chơn Thành - Đức Hòa (26,53ha) và Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Cửu Phú (hương lộ 14) trên địa bàn huyện Bình Chánh (10,92ha)… Các dự án dưới 10ha gồm: xây dựng, mở rộng đường Phạm Thế Hiển nối dài (quận 8); xây dựng Trường Tiểu học Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn); xây dựng trường mầm non Bà Điểm 1; xây dựng trường mầm non Xuân Thới Sơn (cùng ở huyện Hóc Môn); một số dự án nâng cấp hẻm trên địa bàn huyện Nhà Bè…

Thẩm định Tờ trình của UBND TP.HCM, Ban Đô thị, HĐND TP.HCM lưu ý: Một số dự án, công trình công cộng trong Danh mục cần hoàn tất các thủ tục về quy hoạch theo quy định; đối với Danh mục dự án cần thu hồi đất có một phần đất trồng lúa, sau khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của TP. Thủ Đức và quận huyện cần làm hồ sơ trình HĐND Thành phố thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án theo Thông tư 09 của Bộ TN&MT.

Đồng thời, các đơn vị triển khai dự án cần triển khai rà soát thống nhất tên dự án, diện tích thu hồi trong các văn bản chủ trương đầu tư, quyết định ghi vốn đảm bảo thủ tục pháp lý theo quy định.

Một góc đô thị TP.HCM

Điều chỉnh mức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp

Cũng tại Kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X, UBND TP.HCM đã có Tờ trình về điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, việc thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được thực hiện theo Nghị quyết 02/2018 của HĐND Thành phố. Theo đó, mỗi năm, TP.HCM thu được khoảng trên 40 tỷ đồng; toàn thành phố có 17 khu công nghiệp và 3.035 cơ sở ngoài khu công nghiệp phải đóng phí BVMT đối với nước thải.

Theo Ban Kinh tế ngân sách, HĐND TP.HCM, việc điều chỉnh tăng mức thu phí BVMT nước thải công nghiệp so với Nghị quyết 02/2018 là cần thiết. UBND TP.HCM cần chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức… tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xả thải, kể cả các cơ sở khai thác nước ngầm làm cơ sở xác định mức thu theo đề án; đề xuất mức thu phí đảm bảo thu đúng, thu đủ các đối tượng xả thải trên địa bàn theo quy định. Cần khuyến khích sử dụng tiết kiệm nước, hạn chế xả thải, hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường, tạo sự công bằng, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ nộp phí của cơ sở xả thải.

Ngoài ra, cần có khảo sát đánh giá tác động kinh tế, khả năng đóng góp của người nộp phí, hiệu quả thu phí theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 120 của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X: Thảo luận, thông qua nhiều nội dung liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO