Xã hội

Kỳ bí cánh đồng đất sét “Thạch Sanh”

Đỗ Vương 29/06/2023 14:55

Làng gốm Bàu Trúc là một trong những địa điểm du lịch ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) hấp dẫn, nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tuyệt đẹp và kỹ thuật nung nấu đặc biệt, đỉnh cao, mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Bàu Trúc cũng là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến tận bây giờ.

Ai cũng biết, các loại đồ gốm đều phải làm từ đất sét. Nguồn nguyên liệu quý “đất sét” này đã nuôi sống nhiều làng nghề đồ gốm thủ công từ đời này sang đời khác. Nhưng nguồn nguyên liệu này không phải là vô tận, cũng chỉ vì thiếu nguyên liệu mà nhiều làng nghề đồ gốm đã phải chuyển nghề khác mặc dù đã tồn tại cả trăm năm. Vậy mà ở làng gốm nổi tiếng Bàu Trúc thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã có từ hàng trăm năm nay, mà bà con làng nghề lại không lo thiếu nguồn nguyên liệu nhờ cánh đồng đất sét bên bờ sông Quao. Điều thật kỳ lạ là, sau những lần lấy đất làm nghề thì chỉ thời gian ngắn sau, đất sét lại đùn lên như nồi cơm Thạch Sanh trong truyện cổ tích.

anh-1.jpg
Người dân ra cánh đồng Paley Hamu Trok lấy đấy sét về làm gốm Bàu Trúc

Chúng tôi về Ninh Phước được nghe bà con nơi đây kể nhiều câu chuyện về bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, phát triển nghề dệt thổ cẩm, nghề làm gốm… Nhưng đáng chú ý nhất là câu chuyện về cánh đồng đất sét kỳ bí, khiến du khách phải ngỡ ngàng, tò mò với mong muốn phải đến tận nơi để chiêm ngưỡng.

Cánh đồng đất sét “Thạch Sanh” ấy cách trung tâm thị trấn Phước Dân khoảng 4 km rộng hàng trăm héc-ha (ha), nhưng chỉ có khoảng vài chục ha là có đất sét. Đất sét ở đây có đặc điểm rất đặc biệt là khi cho nước vào nhào nặn thì rất dẻo, có độ quánh và mịn. Sản phẩm gốm làm ra đem vào lò nung không bao giờ bị nứt.

anh-2.jpg
Người dân ra cánh đồng Paley Hamu Trok lấy đấy sét về làm gốm Bàu Trúc

Chị Đàng Sanh Ái Chi chỉ tay về phía trước cho biết: Làng gốm Bàu Trúc đã có từ hàng trăm năm nay, mà bà con làng nghề chúng tôi không lo thiếu nguồn nguyên liệu nhờ cánh đồng đất sét “Thạch Sanh”. Các nghệ nhân gốm dùng chính đôi tay khéo léo của mình để tạo nên những sản phẩm. Hoa văn trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc mang đậm nét văn hóa Chăm Pa như là những hình sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay,… Gốm Chăm Bàu Trúc có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám xen lẫn những vệt nâu đặc trưng, có tính “độc bản”. Các sản phẩm luôn có sự khác biệt riêng bởi mỗi sản phẩm tạo ra nó có cái hồn riêng lưu lại từ quá trình nung đất cho đến những nét hoa văn. Đó chính là yếu tố quan trọng trong nghề làm gốm của người Chăm từ xưa cho đến bây giờ và mai sau.

Là một trong những khách tham quan làng gốm Bàu Trúc tôi thật vui khi được xem các nghệ nhân biểu diễn nặn, nắn và tạo hình. Ngắm nhìn những người phụ nữ Chăm cẩn trọng, tỉ mỉ, tay thoăn thoắt, uyển chuyển trong từng công đoạn. Họ dùng đôi bàn tay khéo léo của mình cùng với những vật dụng thô sơ, để biến từ một cục đất sét vô tri, vô giá trị thành một tác phẩm gốm đầy nghệ thuật, chị Nguyên Nguyên đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

anh-4.jpg
Cách làm gốm thủ công ở làng Bàu Trúc”

Trao đổi với chúng tôi Ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Làng gốm của đồng bào Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Điểm đặc biệt của nghề làm gốm ở Bàu Trúc là hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, nhưng mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc.

“Cách làm gốm Bàu Trúc rất độc đáo hơn các làng nghề gốm thủ công khác là “làm bằng tay xoay bằng mông” không có bàn xoay và vì thao tác bằng tay nên mỗi sản phẩm là một tác phẩm riêng lẻ, không giống nhau. Ông Nguyên cho biết, chỉ có đất sét ở cánh đồng sông Quao thì mới làm được các sản phẩm gốm bằng tay, còn đất sét ở nơi khác thì không thể.

anh-3.jpg
Cách làm gốm thủ công ở làng Bàu Trúc

Những năm vừa qua Ninh Thuận đã mở ra nhiều điểm du lịch, làng gốm Chăm Bàu Trúc là một trong những điểm du lịch thu hút được một số lượng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Họ đến để tận mắt được thấy “cánh đồng đất sét Thạch Sanh”, để được xem những thao tác với kỹ thuật điêu luyện của người làng nghề. Sản phẩm gốm Bàu Trúc ngày càng nổi tiếng, được khách du lịch đặt mua nhiều và đã có mặt ở khắp nơi trong và ngoài nước. Đời sống của người thợ làng nghề ở đây ngày càng được cải thiện nâng cao. Có tầm nhìn xa, trông rộng, để đảm bảo vùng nguyên liệu đất sét lâu dài cho làng gốm Bàu Trúc, từ nhiều năm qua UBND huyện Ninh Phước đã quy hoạch cánh đồng đất sét 5ha bên bờ sông Quao để bà con làng nghề đến đây khai thác. Ông Bạch Văn Nguyên chia sẻ.

Anh Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban phát triển du lịch cộng đồng làng gốm Bàu Trúc, cho biết: Người Chăm chúng tôi gọi làng gốm Bàu Trúc bằng tiếng Chăm là Paley Hamu Trok, có nghĩa là làng có cánh đồng lồi. Người dân ở địa phương thường hay có cách so sánh ví von cánh đồng đất sét Thạch Sanh, bởi vì đất sét ở cánh đồng này hàng trăm năm nay người dân đào đất chở về làng làm gốm Bàu Trúc nhưng đất không lõm xuống mà cứ qua một mùa trồng lúa đất tại “lồi” trở lại, đùn lên đầy đặn như chưa hề bị đào lên mang đi.

anh-5.jpg
Những sản phẩm gốm luôn chất chứa cái hồn riêng 

Theo anh Quyết: Không biết “cánh đồng đất sét Thạch Sanh” - Paley Hamu Trok này có từ bao giờ, nhưng hàng trăm năm trước đã là nguồn nguyên liệu vô cùng quý giá với độ dẻo đặc biệt để qua bàn tay tài hoa của người thợ thủ công đã cho ra đời những sản phẩm gốm thủ công Bàu Trúc vừa đẹp, vừa bền.

Đến với làng gốm Bàu Trúc, với “cánh đồng đất sét Thạch Sanh”, du khách còn được nghe một truyền thuyết rằng, người Chăm làng Bầu Trúc là con cháu của Pô Klong Chanh, một vị quan cận thần của vua Po Klong Garai, người được vua Shihavaman đặt tên cho một cụm tháp Chăm, nay là di tích quốc gia Po Klong Garai. Từ xa xưa, người Chăm nơi đây vẫn truyền miệng nhau về một Po Klong Chanh từng có công đưa tổ tiên của họ đến định cư ở cánh đồng Paley Mamu Trok và dạy dân đào đất sét làm gốm và từ đó làng gốm Bàu Trúc đã hình thành và phát triển đến bây giờ./.

Cánh đồng đất sét kề bên bờ sông Quao nên mùa mưa thì người dân trồng lúa, còn mùa khô không có nước nên người dân lại ra cánh đồng đào đất về nhào nặn làm gốm. Làng gốm Bàu Trúc hay còn gọi là Paley Hamu Trok là một trong những làng gốm lâu đời nhất Đông Nam Á, nguyên liệu đất sét đều lấy từ cánh đồng bên dòng sông Quao hàng trăm năm qua. Người dân trong làng cũng thường gọi cánh đồng đất sét là cánh đồng Paley Hamu Trok.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ bí cánh đồng đất sét “Thạch Sanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO