Krông Pắc (Đắk Lắk): Thích ứng biến đổi khí hậu, “vươn mình” thành thủ phủ sầu riêng
(TN&MT) - Những năm qua, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) đã đạt được những kết quả tích cực. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, địa phương này đã vươn lên trở thành thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên.
Hành trình gian nan
Huyện Krông Pắc đang trong thời gian tích cực công tác chuẩn bị cho sự kiện Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II (diễn ra từ ngày 31/8 đến ngày 2/9/2024). Để có được danh xưng “thủ phủ sầu riêng” và những sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng, huyện Krông Pắc đã phải trải qua thời gian dài với muôn vàn khó khăn, thách thức.
Cây sầu riêng đến với người nông dân huyện Krông Pắc ban đầu như một loại cây trồng phụ, trồng “ké” bên cạnh cây trồng chủ đạo là cây cà phê. Vào đầu những năm 2000, thời điểm giá cà phê xuống thấp, cây sầu riêng bắt đầu vươn lên trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đến đầu năm 2017, khi diện tích trồng cây sầu riêng của huyện Krông Pắc đạt con số 1000 ha và đã cho năng suất, sản lượng ổn định thì thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến bất thường, mưa trái mùa kéo dài với lượng mưa lớn khiến độ ẩm tăng cao, làm nảy sinh nhiều loại nấm gây bệnh. Kết quả khảo sát vào thời điểm đó cho thấy hầu hết các vườn sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc đều bị nhiễm bệnh, tỷ lệ hư hại khoảng 70 - 80% số cây, tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thiệt hại nặng nề, người dân hết sức lo lắng và chính quyền địa phương thì bắt đầu nghĩ tới các giải pháp phát triển bài bản, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đợt cao điểm mùa khô năm 2024 vừa qua, nhiều sông, suối, hồ đập trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắc nói riêng đã khô cạn hoặc nước xuống rất thấp dẫn đến khó khăn về nguồn nước tưới, sinh hoạt. Tại huyện Krông Pắc, nhiều vườn cây sầu riêng của người dân đã bị khô héo, giảm năng suất vì thiếu nguồn nước tưới. Phòng NN&PTNT đã phối hợp với Chi nhánh Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi huyện Krông Pắc tổ chức bơm tưới từ mực nước chết của các hồ chứa và sông Krông Pắc để phục vụ nước tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, người dân trong huyện cũng đã chủ động áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để ứng phó với tình trạng hạn hán. Nhờ vậy, thiệt hại do hạn hán đối với cây trồng, đặc biệt là cây sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc được giảm thiểu đáng kể.
Công tác khuyến nông trên địa bàn huyện Krông Pắc ngày càng được chú trọng, trong đó có việc hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật trong việc canh tác và bảo quản, chế biến sầu riêng. Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc đã mở nhiều lớp huấn kỹ thuật sản xuất sầu riêng; ngành nông nghiệp huyện xây dựng mô hình "sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên" trên cây sầu riêng. Cùng với đó, huyện Krông Pắc cũng đã khảo sát chọn hộ triển khai mô hình trồng cây sầu riêng xen cà phê tại một số xã trên địa bàn huyện.
Hiệu quả tích cực
Tại buổi họp báo thông tin về Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh cho biết: Huyện Krông Pắc hiện có khoảng 8.000 ha cây sầu riêng, chiếm 1/3 diện tích sầu riêng của toàn tỉnh Đắk Lắk. Niên vụ này, dự kiến tổng sản lượng đạt trên 92.000 tấn. Sầu riêng đã trở thành cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương.
Thống kê của UBND huyện Krông Pắc cho thấy, đến cuối năm 2022, số diện tích sầu riêng đã được kiểm tra đánh giá cấp giấy chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên địa bàn huyện là 653 ha với 594 hộ dân sản xuất, địa điểm trồng tại các xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc và Hòa Đông, trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Ea Yông với 497 ha, xã Ea Kênh 91 ha.
Tính đến nay, toàn huyện Krông Pắc có tổng số 34 mã vùng trồng sầu riêng được Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, với diện tích 2.015 ha sầu riêng của 3.761 hộ dân thuộc địa bàn các xã Ea Yông, Ea Kênh và Ea Knuếc. Số cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số đang hoạt động trên địa bàn huyện hiện có 13 cơ sở (đã và đang được kiểm tra, giám sát).
Trước đó, trong khuôn khổ Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ I năm 2022, UBND huyện Krông Pắc tổ chức tổ chức Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững. Tại đây, các chuyên gia về trồng và phát triển sản phẩm sầu riêng đã giải đáp các thắc mắc của người trồng sầu riêng liên quan đến các vấn đề phát triển mã vùng trồng, các tiêu chuẩn, xuất khẩu sầu riêng… nhằm hướng đến nền sản xuất bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắc nói riêng. Cũng tại hội nghị, có 24 dự án được các nhà đầu tư ký bản ghi nhớ đầu tư với UBND huyện Krông Pắc với tổng mức đầu tư hơn 11.200 tỷ đồng.
Huyện Krông Pắc xác định cây sầu riêng là cây trồng chủ lực và có hướng đi bài bản nhằm phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao này. Nhờ đó, đời sống người dân địa phương không ngừng được nâng lên, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt được những kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Krông Pắc giảm 1,83%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,8%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.