Kon Tum: Tăng nguồn thu để bảo vệ rừng
(TN&MT) - Ba năm trở lại đây, trung hình mỗi năm tỉnh Kon Tum có nguồn thu trên 100 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng do 11 thủy điện trên địa bàn chi trả. Số tiền này được giải ngân để hỗ trợ người dân, các tổ chức trồng rừng, bảo vệ rừng.
Một minh chứng cho việc sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi
trường rừng để bảo vệ rừng là làng Đắc Prông, xã Đắc Tờ Can, huyện Tu Mơ Rông. Làng được hỗ trợ kinh phí để bảo vệ 700 hécta rừng. 110 hộ dân người Xê Đăng đã thành lập 5 tổ quản lý bảo vệ, thường xuyên tuần tra, tổ chức chốt chặn liên tục trên tuyến đường chính vào rừng. Từ điểm nóng về hoạt động khai thác lâm sản trái phép, Đắc Prông trở thành một điểm sáng về bảo vệ rừng.
Một người dân cho biết: Trước đây bà con trong thôn chưa làm chốt chặn thì mỗi năm xảy ra cả chục vụ khai thác gỗ trái phép. Làm chốt rồi, 2 năm nay chỉ xảy ra một vụ. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng giúp tỉnh Kon Tum đẩy nhanh được tiến trình giao đất, giao rừng.
Đến nay, hơn 600 nghìn hécta rừng cùng với diện tích đất lâm nghiệp của vể tỉnh đã có chủ thể quản lý. Riêng diện tích khoán cho trên 5.000 hộ dân và 23 cộng đồng là gần 130 nghìn hécta. Với hộ cá nhân bảo vệ rừng, năm 2013, mỗi hộ nhận được từ 3 triệu rưỡi đến 10 triệu rưỡi đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Nhờ cải thiện được cuộc sống từ rừng, người dân gắn bó hơn với rừng và tích cực tham gia nghề rừng. Ông An Văn Sáu, Bí thư
Đảng ủy xã Đắc Tờ Can, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Người dân đã nâng cao được nhận thức, xác định được việc quản lý bảo vệ rừng là đem lại quyền lợi cho chính mình. Cụ thể là người dân được nhận tiền Nhà nước chi cho để quản lý bảo vệ rừng; được hưởng lợi từ rừng và dưới tán rừng để phát triển sản xuất trồng cây bời lời và các loại cây ngắn ngày.
Không chỉ giúp các hộ dân, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng còn đang giúp các chủ rừng ở Kon Tum, nhất là các Công ty lâm nghiệp Nhà nước giải quyết được khó khăn về nguồn kinh phí để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo các công ty lâm nghiệp tại địa phương, khi chưa có chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, ngân sách hàng năm cấp cho doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng chỉ có 15 nghìn đồng một hécta.
Hiện, số tiền này là trên 200 nghìn đồng, có vùng đạt trên 300 nghìn đồng. Được tiếp sức từ khoản tiền 6 tỷ đồng mỗi năm từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắc Tô đã thành công trong xây dựng phương án quản lý rừng bền vững đối với hơn 14.000 héc ta trên tổng diện tích 16.000 héc ta rừng.
Theo ông Vũ Văn Cương, Phó Giám đốc Công ty, Công ty trả tiền khoán bảo vệ rừng trả cho người dân 200.000 đồng một ha và cấp cây bời lời để hộ trồng dưới tán rừng. Từ bảo vệ rừng, Công ty tiếp tục xây dựng kế hoạch trồng rừng với mức khoán 9 triệu đồng/
hecta.
Hiện đã có 19 tổ chức, hơn 5.000 hộ dân và 23 cộng đồng ở tỉnh Kon Tum được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tác động tích cực, rõ nét nhất từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là đã tạo lập , được cơ sở kinh tế bền vững. Người dân, tổ chức Nhà nước có nguồn thu, từ đó yên tâm bảo vệ rừng.