Kon Tum: Phát huy vai trò của nguồn tiền DVMTR trong phát triển kinh tế

Quế Mai| 28/06/2022 05:57

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) triển khai trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhiều năm qua đã trở thành một giải pháp hiệu quả, giúp hàng nghìn hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế.

Chúng tôi gặp lại chị Y Lan (làng Lút, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) trong Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR, kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế, do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tổ chức tại UBND xã Ya Tăng. Chị Y Lan hào hứng khoe: “Năm nay, 1ha rẫy trồng mì của nhà tôi thu lời 23 triệu đồng, đã tăng 6 triệu đồng so với năm 2019. Nhờ có tiền DVMTR, tôi đã đầu tư mua phân bón đầy đủ nên mì cho năng suất, chất lượng cao”.

Tham gia quản lý, bảo vệ 23,88ha rừng từ năm 2005 - 2007 đến nay, gia đình bà Rơ Lan Wơt (làng Điệp Lôk, xã Ya Tăng) cũng là một trong số những hộ gia đình có kết quả bảo vệ rừng tốt. Năm 2021, bà Wơt nhận được 13,5 triệu đồng tiền DVMTR. “Tiền DVMTR là nguồn thu nhập ổn định để tôi đổ xăng đi tuần tra, bảo vệ rừng thường xuyên. Một phần khác trích ra mua phân bón cho mì và cao su. Tham gia bảo vệ rừng đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định và thoải mái hơn”, bà Wơt chia sẻ.

can-bo-quy-rung-kon-tum.jpg

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho người dân xã Ya Tăng

Hướng đến mục tiêu để quản lý và sử dụng tiền chi trả DVMTR có hiệu quả, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền tại các thôn, làng, UBND các xã để bà con thuận lợi đi lại, nâng cao nhận thức về chính sách chi trả DVMTR; sử dụng tiền DVMTR phát huy hiệu quả cao không những trong công tác bảo vệ rừng mà còn trong phát triển kinh tế.

Từ việc giới thiệu các mô hình sinh kế triển vọng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, đến những kết quả đã đạt được từ một số mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp ở các địa phương được thực hiện nhờ nguồn tiền DVMTR đã nhen nhóm, tạo động lực để người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, mang lại nhiều khởi sắc về kinh tế - xã hội cho các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Y Phin - Chủ tịch UBND xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) cho biết: Chính sách chi trả DVMTR sử dụng tiềm năng lao động tại địa phương để bảo vệ rừng và hưởng lợi từ rừng. Bình quân mỗi hộ được Nhà nước giao đất, giao rừng được nhận hơn 10 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập ổn định, đã thay đổi rất nhiều cuộc sống của bà con xã Ya Tăng so với trước đây.

“Nguồn tiền này giúp các hộ dân mua sắm cây, con giống để phát triển chăn nuôi, sản xuất; mua quần áo, sách vở cho con cái học hành và phục vụ đời sống hàng ngày; góp phần xóa đói giảm nghèo; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương”, bà Y Phin nói.

Khi người dân và các cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng sử dụng nguồn tiền DVMTR có hiệu quả thì bà con sẽ thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với cuộc sống của họ. Từ đó, dẫn đến việc thay đổi hành vi quản lý và bảo vệ rừng. Việc gắn trách nhiệm song song với quyền lợi khi tham gia quản lý, bảo vệ rừng đã tạo động lực cho người dân ra sức bảo vệ rừng để được hưởng tiền DVMTR.

Ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum khẳng định: “Nguồn tiền chi trả DVMTR đã góp sức rất lớn giúp người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Nhờ đó, chính sách chi trả DVMTR triển khai tại tỉnh Kon Tum đến nay đã được người dân đón nhận và thực hiện có hiệu quả ngày càng cao. Khi người dân hiểu được vai trò và lợi ích rừng mang lại cho cuộc sống và nâng cao trách nhiệm của mình trong quản lý, bảo vệ rừng, thì chính sách chi trả DVMTR đã thực sự phát huy lợi ích kép của nó”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Phát huy vai trò của nguồn tiền DVMTR trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO