Dù đang phải chịu ảnh hưởng từ tình hình quốc tế không thuận lợi nhưng với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế - xã hội nước ta trong 8 tháng năm 2022 vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Một số điểm sáng về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 của nước ta có thể kể đến như: Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 8/2022 ước đạt 106 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 đạt 1,208 triệu tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, việc thu ngân sách năm 2022 vượt kế hoạch được giao trở thành nhiệm vụ khả quan.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 8/2022 ước đạt 123,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2022 ước đạt 956,5 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán năm và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên 8 tháng năm 2022 đạt 677,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán năm và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 212,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% và tăng 13,3%; chi trả nợ lãi 65,3 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% và giảm 9,4%.
Ở các lĩnh vực cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tiến độ thu hoạch lúa hè thu tăng cao, chăn nuôi ổn định; khai thác gỗ đạt khá; nuôi trồng thủy sản có mức tăng trưởng cao. Tính đến trung tuần tháng 8, cả nước thu hoạch được 1,1 triệu ha lúa hè thu, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác 8 tháng năm 2022 ước đạt 11,9 triệu m3, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 3.172,2 nghìn tấn, tăng 7%.
Ngành công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao trong 7 tháng liên tiếp, tháng 8/2022 ước tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9,4%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 phục hồi ở hầu hết các ngành, đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước và năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019); dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần (tăng 6,7%). Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 15,4% (tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019).
Vận chuyển hành khách tháng 8/2022 gấp 4,4 lần và luân chuyển hành khách gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa duy trì đà phát triển với sản lượng vận chuyển tăng 58,6% và luân chuyển tăng 68,8%. Tính chung 8 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 29,8% và luân chuyển hành khách tăng 51,6% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 20,6% và luân chuyển hàng hóa tăng 28% (tương ứng tăng 9,8% và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019).
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8 đạt 486,4 nghìn lượt người, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1,4 triệu lượt người, gấp 13,7 lần cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Trong 8 tháng năm 2022, cả nước có 101,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1,136 triệu tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký 696,2 nghìn lao động; tăng 24,2% về số doanh nghiệp, tăng 0,3% về vốn đăng ký và tăng 16,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp tham gia thị trường 8 tháng năm 2022 đạt 149,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 104,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 22%.
Vốn đầu tư tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 ước tính tăng 16,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%, cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,79% của bình quân 8 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 8 tháng năm 2020 (3,96%). Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 1,64%.
Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 25/8/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 1.689 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 2,6 triệu người lao động tại 61.068 doanh nghiệp.