Môi trường

Kinh tế tuần hoàn đưa Đà Nẵng gần với mục tiêu Thành phố môi trường

Đà Hải (thực hiện) 29/08/2023 08:57

(TN&MT) - Trước những thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH), Đà Nẵng đã xây dựng lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn với mục tiêu đến năm 2045 cơ bản trở thành thành phố tuần hoàn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong thay đổi mô hình sản xuất mới, nhưng đến nay, địa phương đã xây dựng được một số mô hình theo tiêu chí phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

5a.jpg
ông Lê Trung Chinh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

PV: Thưa ông, TP. Đà Nẵng có những lợi thế gì khi vừa triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn?

Ông Lê Trung Chinh: Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 2/4/2021 gồm nhiều mục tiêu theo từng giai đoạn, và kèm theo đó là các tiêu chí, chỉ tiêu về chất lượng môi trường, quản lý môi trường một cách dài hạn, bền vững.
Mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những công cụ hữu hiệu, là cách tiếp cận mới hiện nay đối với hầu hết các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần hướng đến mục tiêu chung giảm phát thải trên toàn cầu.

Chính vì vậy, Đà Nẵng đã lồng ghép việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” với xây dựng thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, các sở, ngành đã chủ động tổ chức triển khai nhằm đáp ứng với nhiệm vụ, tiêu chí mà thành phố đề ra. Một số nhiệm vụ cụ thể như Ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) chủ trì triển khai xây dựng 1 KCN đạt các tiêu chí sinh thái đến năm 2025, trong đó có những giải pháp liên quan đến kinh tế tuần hoàn; Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu hoạt động quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương tham mưu về lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Sở Giao thông tham mưu về lĩnh vực giao thông công cộng, giao thông xanh, Sở Du lịch tham mưu về mô hình hoạt động du lịch xanh bền vững,…

PV: Hiện nay Đà Nẵng có KCN Hòa Khánh là mô hình KCN sinh thái đang tiếp cận với kinh tế tuần hoàn. Xin ông cho biết hiệu quả thực hiện mô hình KCN sinh thái tại TP. Đà Nẵng thời gian qua.?

Ông Lê Trung Chinh: Từ năm 2015, Ban Quản lý KCNC và các KCN thành phố đã phối hợp Vụ Quản lý các Khu Kinh tế triển khai Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” đến các doanh nghiệp trong KCN Hòa Khánh. Qua đó, Dự án đã hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 29 doanh nghiệp; các chuyên gia của Dự án đã đề xuất hơn 300 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó, 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm; giảm gần 50.000 m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm.

5b.jpg
TP. Đà Nẵng đang hướng mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”

Chính vì vậy, từ kết quả hỗ trợ kỹ thuật này, thành phố đã tiếp tục đề ra tiêu chí đến năm 2025, thành phố có được 1 mô hình KCN sinh thái để hướng tới tổ chức nhân rộng, cũng như xây dựng áp dụng đối với các KCN mới theo định hướng của Chính phủ.

PV: Được biết, TP. Đà Nẵng đang tham gia dự án “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” do Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ thông qua tổ chức iDE. Vậy mục tiêu của dự án và kết quả đạt được đến thời điểm này như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh: Dự án “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” được UBND thành phố phê duyệt tiếp nhận tại Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 28/1/2022 được triển khai trong giai đoạn 2022 - 2024. Hiện nay, các nội dung dự án đang được Sở TN&MT phối hợp với Tổ chức iDE chủ trì triển khai các hợp phần hoạt động. Đến nay, các đơn vị chức năng cũng đã tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho tối thiểu 50 cơ sở thu gom và cơ sở tái chế và mạng lưới người thu gom, thiết kế tài liệu và chương trình tập huấn; thực hiện khảo sát tình hình thực tế và báo cáo đánh giá hiện trạng của cửa hàng thu gom, cơ sở tái chế, phối hợp triển khai các giải pháp.

Đà Nẵng đề ra lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn thành 3 giai đoạn. Trong đó, từ 2022 đến 2025 là giai đoạn khởi động; từ 2025 đến 2030 là giai đoạn phát triển và từ 2030 đến 2045 sẽ tăng tốc, hành động ở quy mô thành phố và dự kiến đến cuối năm 2045 Đà Nẵng sẽ cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.

Ngoài ra, chương trình cũng tổ chức các hoạt động thúc đẩy việc kết nối các nhà cung cấp công nghệ xử lý nước thải cho cơ sở tái chế. Tổ chức khảo sát, xác định nhu cầu để thực hiện hỗ trợ, kết nối người thu gom và người phân loại tham gia vào chuỗi cung ứng nhựa chính thức. Hỗ trợ tăng cường kết nối giữa các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị RTN; Xây dựng các thỏa thuận giữa các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị RTN về loại chất thải, khối lượng, giá cả...

Cùng với nhiều hoạt động khác, chương trình này đã thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thay đổi hành vi, nâng cao hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn của địa phương... góp phần vào lộ trình xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố tuần hoàn vào năm 2045.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tuần hoàn đưa Đà Nẵng gần với mục tiêu Thành phố môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO