Kinh tế

Kinh tế Quảng Nam 9 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn

Anh Dũng 26/09/2023 - 14:39

Kinh tế Quảng Nam trải qua 9 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh (SXKD) gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn hậu Covid-19, nhu cầu thị trường giảm sút; mặc dù ngành du lịch, dịch vụ có khởi sắc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn…

h1.jpg
Hoạt động SXKD tỉnh Quảng Nam 9 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn

Hoạt động SXKD gặp nhiều khó khăn

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng giảm 29% so với cùng kỳ; trong đó, ngành khai khoáng giảm 2%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30,8%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 19,8%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 9,9%. Một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng như: sản xuất đồ uống tăng 2%; ngành dệt tăng 16,1%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 13,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 17,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 3,5%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 26,1%…

Bên cạnh đó, một số ngành có IIP giảm mạnh như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 16,9%; sản xuất trang phục giảm 58,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 35,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 86%; sản xuất xe có động cơ giảm 48,6%…

Hoạt động SXKD gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải cơ cấu lại kế hoạch kinh doanh, đồng thời giảm bớt lao động nhằm giảm bớt chi phí đầu vào, dẫn đến chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm cuối tháng 9 giảm 8,7% so với cùng thời điểm năm 2022. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,8%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 2,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 9 tháng ước đạt 52,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 8,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt gần 257 tỷ đồng, tăng 171%.

Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trong tháng 9 đạt 0,53 triệu lượt khách, tăng 1,32 lần; trong đó, khách quốc tế ước đạt 0,3 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 0,23 triệu lượt khách. Lũy kế 9 tháng có tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 6,455 triệu lượt khách, tăng 1,56 lần; trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,080 triệu lượt khách, tăng 8,03 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa ước đạt 3,375 triệu lượt khách, giảm 1,11 lần so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch 9 tháng ước đạt 6.590 tỷ đồng và thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 15.487 tỷ đồng.

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ quý III năm 2023 ước đạt hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng, tăng 27%. Sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt 9,6 triệu lượt khách, tăng 22% và luân chuyển hành khách đạt gần 600 triệu lượt khách.km, tăng 37%; sản lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt trên 11,2 triệu tấn tăng 26% và sản lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.261 triệu tấn.km tăng 25%.

h2.jpg
Hoạt động SXKD gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải giảm bớt lao động nhằm giảm bớt chi phí đầu vào

Giải ngân vốn đầu tư công thấp

Tổng vốn đầu tư công năm 2023 là 9.282,152 tỷ đồng; trong đó kế hoạch vốn năm 2023 sau điều chỉnh là 7.804,127 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài 1.478,025 tỷ đồng. Đến nay, kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 đã phân bổ 7.552,417 tỷ đồng, đạt 97%; trong đó, vốn ngân sách trung ương 2.961,514 tỷ đồng, đạt 98%; vốn ngân sách địa phương 4.590,903 tỷ đồng, đạt 96%; kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết 251,710 tỷ đồng.

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh cung cấp, tính đến hết ngày 22/9/2023, vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân gần 3.776 tỷ đồng, đạt 40,8%. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân gần 3.039 tỷ đồng, đạt 39,1%; kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân hơn 737 tỷ đồng, đạt 50%.

Thu ngân sách chưa đạt tiến độ

Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 là 26.680 tỷ đồng; ước thực hiện lũy kế đến ngày 30/9/2023 là 13.648 tỷ đồng, đạt 51% dự toán do HĐND tỉnh giao và bằng 60% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 12.040 tỷ đồng, đạt 58% dự toán (20.880 tỷ đồng), bằng 70% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu 1.580 tỷ đồng, đạt 27% dự toán (5.800 tỷ đồng), bằng 28% so với cùng kỳ.

Dự toán chi ngân sách địa phương năm 2023 là 33.063 tỷ đồng, ước thực hiện lũy kế chi đến ngày 30/9/2023 là 16.034 tỷ đồng, đạt 48% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 7.272 tỷ đồng, đạt 189% dự toán; chi thường xuyên 8.761 tỷ đồng, đạt 64% dự toán.

Ước đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 104.00 tỷ đồng, tăng 13,39% so với cùng kỳ; tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 82.472 tỷ đồng, tăng 9,18% so với đầu năm; nợ xấu là 1.756 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,69% tổng dư nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Quảng Nam 9 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO