Do đó việc thống nhất hệ thống đăng ký bất động sản, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đất đai tại Trung Quốc là xu thế tất yếu. Những kinh nghiệm thực tiễn của Trung Quốc có rất nhiều giá trị tham khảo cho Việt Nam trong công tác đăng ký và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Hệ thống đăng ký bất động sản tại Trung Quốc
Từ những năm 1912 tại thời Trung Hoa Dân Quốc, Trung Quốc đã có quy định về hệ thống đăng ký bất động sản. Tại thời điểm đó, việc đăng ký bất động sản chủ yếu phục vụ quyền sở hữu đất tư nhân. Trong giai đoạn đầu mới thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hệ thống đăng ký bất động sản vẫn được thực hiện. Sau đó, việc đăng ký bất động sản đã bị gián đoạn trong hơn 30 năm.
Công tác quản lý, giám sát đất đai của Trung Quốc có nhiều giá trị thực tiễn để Việt Nam tham khảo. Ảnh: Hoàng Minh |
Đến những năm 1990, đăng ký bất động sản được khôi phục, nhưng chỉ được sử dụng như một phương thức quản lý hành chính, không phải là phương thức công khai để thay đổi quyền bất động sản. Vào ngày 16/3/2007, Phiên họp thứ 05, Đại hội Nhân dân toàn quốc lần thứ X nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thông qua Luật Tài sản, trong đó có quy định về hệ thống đăng ký bất động sản và quy trình cơ bản của công tác đăng ký bất động sản tại Trung Quốc.
Tại giai đoạn này, đăng ký bất động sản tại Trung Quốc mới tập trung nhiều vào chức năng hành chính của việc đăng ký mà bỏ qua chức năng công khai thông tin, làm hạn chế vai trò của hệ thống đăng ký ở một mức độ nhất định. Một số quy định, chính sách giữa các Bộ, ban, ngành có liên quan và các quy định của địa phương còn nhiều nội dung chồng chéo, thiếu thống nhất.
Ngày 20/11/2013, tại Hội nghị thường vụ,Quốc vụ viện Trung Quốc đã đề xuất thống nhất trách nhiệm đăng ký bất động sản và thành lập hệ thống đăng ký bất động sản trực thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên. Đến tháng 11/2014, Quy định tạm thời về Đăng ký bất động sản được ban hành và có hiệu lực với mục đích thống nhất 4 hoạt động trong lĩnh vực đăng ký bất động sản, gồm: hệ thống cơ quan đăng ký bất động sản; hướng dẫn đăng ký; căn cứ đăng ký; hệ thống thông tin.
Vào tháng 3/2015, Bộ Đất đai và Tài nguyên đã ban hành hướng dẫn về công tác điều tra quyền sử dụng, sở hữu bất động sản, thống nhất các giải pháp kỹ thuật cho việc điều tra quyền sử dụng, sở hữu bất động sản, bắt đầu triển khai chế độ đăng ký bất động sản tại nhiều thành phố như Thanh Đảo, Hạ Môn, Quảng Châu và Thâm Quyến.
Tính đến tháng 6 năm 2018, tổng cộng 3001 Văn phòng Đăng ký bất động sản và 38.000 cửa tiếp nhận hồ sơ đã được thiết lập tại 335 thành phố, 2.853 quận, huyện và hơn 80.000 nhân viên, trung bình tiếp hơn 300.000 doanh nghiệp, người dân và cung cấp dịch vụ đăng ký bất động sản mỗi ngày.
Sau khi ban hành Quy định tạm thời về Đăng ký bất động sản năm 2014, Nhà nước Trung Quốc rất coi trọng việc đăng ký bất động sản và nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đưa các quy định vào thực tế. Các phòng ban tại các cấp đã có phản ứng tích cực, đăng ký bất động sản đã dần đi đúng hướng và dần tìm được giải pháp để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Từ chính sách và qua thực tiễn triển khai, công tác đăng ký bất động sản dần hoàn thiện về mặt pháp lý và trở lên chuyên nghiệp hóa, thống nhất hóa, công khai hóa. Về hoàn thiện pháp luật, Trung Quốc hoàn thiện Luật Đăng ký bất động sản, thống nhất cơ sở pháp lý cho việc đăng ký quyền bất động sản, theo phương pháp và thông lệ của quốc tế. Đồng thời, trên cơ sở Quy định tạm thời về đăng ký bất động sản đã xây dựng quy trình thực hiện cụ thể, chuẩn hóa và thống nhất về thủ tục đăng ký bất động sản, thẩm quyền của cơ quan đăng ký, loại đăng ký, phạm vi đăng ký và quyền đăng ký. Các quy định của địa phương còn mâu thuẫn với Quy định mới được ban hành sẽ tiếp tục được sửa đổi và cải thiện.
Về chuyên nghiệp hóa đăng ký, Trung Quốc tiến hành hợp nhất công việc đăng ký bị phân tán trong nhiều đơn vị, khi thành lập bộ phận đăng ký bất động sản duy nhất sẽ đảm bảo thống nhất chỉ đạo về chuyên môn và quản lý công tác đăng ký có tính tổng thể, đồng thời, thiết lập một cơ chế đánh giá và bổ nhiệm chặt chẽ, xây dựng đội ngũ đăng ký chuyên nghiệp, từ đó đảm bảo được quyền và lợi ích của người thực hiện đăng ký bất động sản, từng bước nâng cao uy tín của công tác đăng ký bất động sản.
Để thống nhất hóa, sau thống nhất cơ quan đăng ký bất động sản, dữ liệu thông tin được quản lý đồng nhất tại 04 cấp (cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cấp thành phố và cấp huyện), thông tin đăng ký được chia sẻ theo thời gian thực, các thông tin đăng ký các lĩnh vực như nhà ở và xây dựng đô thị, nông nghiệp, lâm nghiệp, biển tại các cơ quan đăng ký được chia sẻ, tra cứu theo thời gian thực.
Hệ thống mới giúp việc tra cứu dễ dàng. Một nền tảng quản lý thông tin đăng ký bất động sản thống nhất, sẽ thuận tiện hơn trong việc tra cứu thông tin đăng ký bất động sản, mở ra cho xã hội, tổ chức và cá nhân có nhu cầu khai thác thông tin có thể tiếp cận thông tin về bất động sản chính xác và được xác thực bởi cơ quan quản lý.
Hệ thống thông tin trong công tác quản lý đất đai
Bên cạnh thống nhất hệ thống đăng ký bất động sản, hệ thống quản lý thông tin đất đai tại Trung Quốc cũng được xây dựng theo hướng “Một trang bản đồ”. Việc đánh giá, giám sát, quản lý được tổng hợp thu thập từ các nguồn thông tin hiện trạng sử dụng đất, ruộng đất cơ bản, giám trắc viễn thám, tài nguyên khoáng sản, môi trường địa chất, địa lý cơ sở… kết hợp với hệ thống quản lý Nhà nước về tài nguyên đất, phê chuẩn, cung ứng, bổ sung, phát triển, chấp pháp …
Qua đó, tạo nên một hệ thống quản lý thống nhất, thực hiện khai thác và lợi dụng tài nguyên với mục tiêu “nhìn từ trên trời, quản lý trên mạng, kiểm tra trên đất”, với mục đích quản lý hiện trạng tài nguyên đất theo thời gian thực.
Hệ thống quản lý đăng ký bất động sản dựa trên nền tảng “đám mây đất đai”, thực hiện liên kết các cấp tỉnh, thành phố, huyện và Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc vào chung một hệ thống, hoàn thành các số liệu được cập nhật trực tiếp theo thời gian thực để tiến hành lập báo cáo và chia sẻ với các bộ, ngành có liên quan.
Kết hợp quản lý số liệu của đất đai và căn hộ, quản lý bất động sản đã hoàn toàn thay đổi mô hình quản lý tách rời giữa căn hộ và đất đai, cung cấp mô hình số liệu tập chung giữa đất đai và căn hộ. Quản lý đất đai và căn hộ lấy đất đai làm trọng tâm, thay đổi việc chỉ để ý đến chung cư mà không coi trọng vị trí, chỉ lấy thông tin về các phòng trong chung cư, có thể thông qua thông tin của khu đất có liên quan để tra cứu thông tin của công trình nhà ở trên đất, thông tin từng hộ, phòng tại toà nhà …thông qua từng phòng để kiểm tra thông tin vị trí của thửa đất, hình thành mối tương quan giữa căn hộ và thửa đất và mối tương quan giữa thông tin đăng ký, biến động để tạo thành một mô hình quản lý tập chung.
Cung cấp thông tin để phục vụ quản lý quy hoạch thành phố, xây dựng, giao thông. Thống nhất về đăng ký bất động sản đối với việc quy hoạch, xây dựng, giao thông sẽ phát huy tác dụng quan trọng, đăng ký bất động sản là công đoạn quản lý sau cùng của việc xây dựng trong thành phố, ngoài ra thông tin giao dịch đối với kinh tế và xã hội của đô thị có tác dụng rất quan trọng.
Bài học cho Việt Nam
Chế độ sử dụng đất giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn đô thị hóa, công nghiệp hóa dẫn đến biến động trong việc sử dụng đất đai ngày càng tăng. Những kinh nghiệm và bài học trong công tác đăng ký bất động sản tập trung thành một hệ thống thống nhất và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giám sát đất đai của Trung Quốc có nhiều giá trị thực tiễn để Việt Nam tham khảo và hoàn thiện hệ thống đăng ký đất đai theo hướng hiện đại, đồng bộ và tập trung.