Kinh Môn (Hải Dương): Siết chặt công tác bảo vệ môi trường

11/08/2018 15:45

(TN&MT) - Những năm gần đây, trước thực trạng môi trường ngày càng ô nhiễm do ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp, công ty, nhà máy… huyện Kinh Môn (Hải Dương) đã tăng cường các biện pháp quản lý, siết chặt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Chính vì vậy, môi trường trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, doanh nghiệp có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư cùng chung tay vì môi trường sống trong lành.

Sát sao công tác Bảo vệ môi trường

Để việc bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện có nhiều công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất… nhất tỉnh Hải Dương, năm 2016, UBND huyện Kinh Môn bắt đầu rà soát, lập danh sách các cơ sở có dấu hiệu ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân; thường xuyên có phản ánh, đơn thư kiến nghị của tổ chức, cá nhân trong và ngoài khu vực để báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

1
Công ty TNHH Thành Dũng sản xuất giấy Kraft, thường xuyên bị người dân “tố” vì xả thải, khói bụi ra môi trường
 

Từ đó đến nay, huyện Kinh Môn thường xuyên kiểm tra, đánh giá để bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách, căn cứ trên mức độ khắc phục các vi phạm của các doanh nghiệp. Năm 2018, huyện Kinh Môn lập danh sách 21 cơ sở có dấu hiệu ô nhiễm môi trường thường xuyên nhận được ý kiến của người dân (giảm 7 doanh nghiệp so với danh sách năm 2017). Những cơ sở nằm trong danh sách này, thường xuyên gây tiếng ồn, xả khói bụi, khí thải, nước thải ra môi trường trong quá trình sản xuất; kinh doanh, vận chuyển nguyên vật liệu. Căn cứ trên báo cáo của huyện Kinh Môn và phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu gây ô nhiềm môi trường.

Chính vì vậy, cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên & Môi trường đã thanh tra, kiểm tra, nhiều doanh nghiệp và xử phạt, yêu cầu khắc phục các vi phạm. Cuối tháng 12/2017, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên &Môi trường) đã ra quyết đinh xử phạt Công ty TNHH Thương mại & Vận tải Sơn Thái (trụ sở tại xã Hiệp An) số tiền 580 triệu đồng do không có giấy xác nhận hoàn thành công trình Bảo vệ môi trường, phục vụ giai đoạn vận hành, thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt ĐTM, không xây lắp công trình Bảo vệ môi trường theo quy định. Cùng thời điểm cuối tháng 12/2017, Tổng cục Môi trường cũng có quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Kinh doanh chế biến xuất nhập khẩu Đà Nẵng (Trụ sở tại xã Phạm Mệnh) số tiền gần 770 triệu đồng do các vi phạm trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường, như: Không có giấy xác nhận hoàn thành công trình Bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, thực hiện không đúng một trong các nội dung ĐTM, không xây lắp công trình Bảo vệ môi trường theo quy định; thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn. Đầu năm 2018, UBND huyện Kinh Môn chỉ đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, phối hợp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Hải Dương) kiểm tra hoạt động sản xuất của hộ kinh doanh Nguyễn Quốc Biển (xã Thất Hùng) theo đơn thư của người dân, xử phạt 7,5 triệu đồng do xả khí thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường…

Phát huy trách nhiệm của cộng đồng

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Văn Bí, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, cho biết: “Việc lập danh sách những cơ sở ô nhiễm môi trường từ phản ánh, kiến nghị của nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho UBND huyện trong công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường của các doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp thường xuyên có ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra, làm việc với doanh nghiệp, lập biên bản yêu cầu khắc phục các hành vi, vi phạm.

2
Công ty Cổ phần phát triển Công nghệ Tài nguyên & Môi trường, không những bị người dân thường xuyên ý kiến ô nhiễm môi trường, mà còn bị 3 lần cháy rác gây ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống nhiều hộ dân
 

Đồng thời, căn cứ trên mức độ vi phạm, UBND huyện có văn bản kiến nghị đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Cùng với đó, UBND huyện Kinh Môn thường xuyên yêu cầu doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường; triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng xả khói, bụi, nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để trong quá trình sản xuất. UBND huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ yêu cầu doanh nghiệp cam kết vận hành đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng đúng nguyên liệu đầu vào, các thông số khí thải, nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Để phát huy hiệu quả công tác Bảo vệ môi trường, cùng với các biện pháp quản lý nhà nước, hoạt động giám sát cộng đồng cũng được huyện Kinh Môn duy trì tốt, nhất là ở những xã, thị trấn thường xuyên đối mặt với áp lực ô nhiễm, như: xã Duy Tân, thị trấn Minh Tân, thị trấn Phú Thứ. Tại các địa phương này, Tổ giám sát cộng đồng phối hợp với doanh nghiệp lựa chọn đơn vị quan trắc môi trường, giám sát việc lấy mẫu, công khai các chỉ số môi trường cho người dân ở địa phương”.

Ông Lê Văn Bí, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, nhấn mạnh: Để hạn chế thấp nhất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ở huyện công nghiệp nhiều nhất tỉnh. Trong thời gian tởi, UBND huyện Kinh Môn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ô nhiếm môi trường cao, những cơ sở có phản ánh của nhân dân để đưa vào danh sách giám sát đặc biệt. Trong quá trình phát triển kinh tế, UBND huyện Kinh Môn sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có ngành nghề, công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, huyện cũng có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Hải Dương không đưa những doanh nghiệp, ngành nghề có nguy cơ cao ô nhiễm môi trường, như: Sản xuất, tái chế nhựa, giặt mài, mạ màu kim loại… về huyện để giảm áp lực đối với môi trường cho huyện Kinh Môn. Huyện tiếp tục pháp huy vai trò của cộng đồng dân cư, trong việc phát hiện, giám sát các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Vai trò, người dân là rất quan trọng, hiệu quả để môi trường của huyện ngày càng được cải thiện tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh Môn (Hải Dương): Siết chặt công tác bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO