Theo phản ánh của người dân, một vài tháng trước, hằng ngày có nhiều ô tô tải xuống khu vực này chở đất đi nơi khác. Hằng đêm, nhiều tàu thuyền áp sát bờ bao chở đất bán cho một số nhà máy gạch tuynel lân cận. Ông Nguyễn Văn K., một người dân trong xã bức xúc: "Khoảng 2 năm trở lại đây, việc khai thác cát, lấy đất bãi ở khu vực này diễn ra cả ngày lẫn đêm. Trước kia sông cách đê cả trăm mét thì nay chỉ còn vài chục mét là đến chân đê. Tình trạng này kéo dài làm cho nhiều diện tích đất bãi biến mất, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và an toàn đê điều”.
Có mặt tại khu Đầm Trâm, mặc dù hiện tượng khai thác đã dừng, song chúng tôi thấy nhiều diện tích ao không bờ bao, nước sông tràn vào từ lâu. Một số cột điện vốn nằm giữa bãi sông đã bị nước bao quanh. Nhiều khoảng đầm trũng bị đào lấy đất tan hoang, vết máy xúc vẫn còn mới.
Khu Đầm Trâm vốn là đất công điền thuộc sự quản lý của UBND xã Đại Đức, huyện Kim Thành. Năm 2012, gia đình ông Nguyễn Văn Việt ở thôn Kiến Lễ nhận đấu thầu khoảng 10 ha Đầm Trâm làm khu nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả. Do hiệu quả kinh tế thấp nên từ giữa năm 2017, gia đình ông Việt đã chuyển nhượng cho một người tên Công ở xã Kim Đính (huyện Kim Thành) với số tiền nhiều tỷ đồng để cải tạo thành khu nuôi thủy sản. Từ đó đến nay, tình trạng khai thác đất, cát tại đây thường xuyên xảy ra. Khu nuôi thủy sản bị đào bới tan hoang, rộng chừng hơn 2 ha có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Hàng vạn m3 đất cát đã bị khai thác trái phép, vận chuyển đi nơi khác. Bờ sông bị sạt làm mất bờ làm nhiều ao phía trong không còn nuôi thủy sản được. Người dân xã Đại Đức đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền xã Đại Đức làm ngơ để người nhận chuyển nhượng núp bóng dự án nuôi thủy sản để khai thác đất cát trái pháp luật?
Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Văn Thăng, Chủ tịch UBND xã Đại Đức thừa nhận có tình trạng khai thác đất cát tại đầm Trâm. Ông Thăng cũng cho biết xã có nắm được việc ông Việt chuyển nhượng dự án cho người khác nhưng không qua chính quyền xã và chưa được UBND xã công nhận. "UBND xã đã nhiều lần mời ông Việt, ông Công lên làm việc để làm rõ việc chuyển nhượng và xác định trách nhiệm của các bên liên quan nhưng hai ông này không hợp tác. Việc chuyển nhượng chưa được công nhận nên ông Việt vẫn là người chịu trách nhiệm khi để xảy ra khai thác cát, đất trái phép trên diện tích nhận thầu của UBND xã" - ông Thăng khẳng định.
Theo ông Thăng, ông Nguyễn Văn Việt không có quyền chuyển nhượng đất đai, vì đây là đất công. Ông Việt chỉ có thể chuyển nhượng tài sản trên đất, và phải thông qua chính quyền, việc tự ý chuyển đổi là bất hợp pháp. Thời gian gần đây, khi phát hiện tình trạng khai thác đất bãi, khai thác cát trái phép, UBND xã đã báo cáo với UBND huyện, đề nghị với lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp ngăn chặn.
Lý do vì sao UBND xã biết ông Nguyễn Văn Việt làm ăn trên vùng Đầm Trâm không hiệu quả, không có nhu cầu sản xuất chính quyền lại không thanh lý hợp đồng, thu hồi đất? Về vấn đề này, Chủ tịch xã Phạm Văn Thăng giải trình: Trước đây, UBND xã Đại Đức đã ký hợp đồng đấu thầu đất công điền với ông Nguyễn Văn Việt với mục đích trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản với thời hạn 20 năm. Việc cho đấu thầu đất thời hạn quá dài, không đúng quy định của pháp luật. Việc này UBND xã phải chịu trách nhiệm và phải thực hiện lại cho đúng. Thời gian tới, UBND xã làm việc với ông Nguyễn Văn Việt, nếu ông Việt không còn nhu cầu, xã thu hồi khu đất đấu thầu này. Nếu còn nhu cầu thì ký lại hợp đồng theo quy định 5 năm một lần.
Xã Đại Đức vốn là một "điểm nóng" về khai thác cát trái phép của huyện Kim Thành. Trước đây, cũng chính vì buông lỏng quản lý đất đai, để người dân tự do chuyển nhượng diện tích đất 03 ở khu vực Đồng cây Chanh mà hàng chục ha đất tại đây bị "cát tặc" lấy mất. Để tránh tái diễn tình trạng trên tại đầm Trâm, cơ quan chức năng huyện Kim Thành, chính quyền xã Đại Đức cần tăng cường quản lý, quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm theo pháp luật việc người dân chuyển nhượng trái phép đất đai, tạo kẽ hở cho "cát tặc", "đất tặc" lộng hành làm mất đất canh tác của người dân và của tập thể.