Được cấp đất TĐC, dân vẫn bám “rốn” lũ
Đó là thực tế đáng quan ngại đã diễn ra trong nhiều năm qua ở Vĩnh Đồng. Đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Đồng cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét tại suối Chiềng, xã đã 2 lần phải thực hiện dự án di dân TĐC. Trong đó, UBND huyện đã triển khai xây dựng khu TĐC tại khu Địa Chất và hoàn thành việc giao đất cho 67 hộ dân xóm Chanh Trên từ năm 2011. Theo đó, các hộ được cấp từ 180 - 200m2 đất ở. Tuy nhiên, từ đó đến nay hầu hết các hộ dân vẫn không di chuyển về nơi ở mới mặc dù cấp uỷ, chính quyền địa phương nhiều lần thông báo, yêu cầu, thậm chí là cưỡng chế nhưng người dân vẫn bám trụ lại vùng “rốn” lũ. Dù rằng, lúc nào cũng nơm nớp lo “chạy” lũ.
Mùa mưa lũ năm ngoái, trong xóm có 2 nhà bị đổ sập cùng nhiều trâu, bò lợn gà, thóc lúa và tài sản của các hộ dân bị cuốn trôi. Đợt mưa lũ tháng 7 vừa qua, tuy không có thiệt hại về người nhưng nhiều nhà vẫn bị nước lũ cuốn trôi mất tài sản, thóc lúa. Cũng may, là nước lũ về lúc ban ngày, chứ lũ bất ngờ về trong đêm thì sẽ có thiệt hại về người, đồng chí Bùi Văn Hùng chia sẻ thêm.
Kể thêm về những cơn lũ kinh hoàng quét qua làng trong 2 năm qua, Bùi Thị Nhân (86 tuổi) kể: Đợt mưa lũ vừa rồi nước dâng ngập chỉ kém đợt mưa lũ tháng 10/2017 chút xíu. Nước lên nhanh và chảy xiết. Nhà tôi ở khu vực cao nhất xóm nước cũng đã ngập lên hơn 1m, nhiều tài sản bị bước cuốn trôi. Còn trong đợt mưa lũ năm ngoái nếu không nhanh chân chạy thì tôi và đứa cháu cũng đã bị nước cuốn trôi.
Nhận thức rõ sự nguy hiểm của dòng suối Chiềng khi có mưa to, trong cơn bão số 3 trung tuần tháng 7/2018, Vĩnh Đồng đã tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thậm chí bỏ tiền thuê xe hỗ trợ người dân di dời về ở tại khu TĐC mới để tránh những điều đáng tiếc xảy ra khi nước lũ dâng nhanh. Tuy nhiên, chỉ có vài hộ chấp hành. Sau đó, do nước dâng lên nhanh, người dân đã buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Nhưng có điều đáng nói là ngay sau đó, tất cả các hộ dân đã quay về nhà dù cho nguy cơ lũ quét vẫn còn hiển hiện ngay trước mắt.
Lý giải về điều này, đa phần người dân cho rằng do họ đã quen với nếp sống ở nơi ở cũ, việc di dời chỉ là tạm thời chạy lũ. Ở đây còn nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò, gà... Chỉ tay về phía dòng suối với những vết tích tan hoang, đổ nát còn sót lại ngay trước cửa nhà sau đợt lũ vừa qua Ông Bùi Văn T. cho biết: Đợt lũ vừa rồi chúng tôi được xã vận động di dời về khu TĐC, nhưng chúng tôi cũng chỉ đi để chạy lũ vì nước lên nhanh, lại chảy xiết rất nguy hiểm. Đi nhưng chúng tôi vẫn phải quay về vì nhà cửa, tài sản vẫn còn ở đó.
Hiểm họa lũ quét nếu cố tình quay về nơi ở cũ
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Đồng cho biết: Những năm qua, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống đồng bào. Để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân cấp uỷ, chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân khu vực ảnh hưởng mưa lũ ở xóm Chanh Trên di dời về khu TĐC mới. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay cả 67 hộ dân được cấp đất TĐC không chấp hành, vẫn tiếp tục sinh sống tại nơi ở cũ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, dù đã được cấp đất TĐC gần chục năm nhưng tính đến tháng 7/2018 tại khu TĐC mới cho các hộ dân vùng lũ của xã Vĩnh Đồng mới chỉ có 25 hộ dân sinh sống. Điều đáng nói hơn, trong số 25 hộ đó thì chỉ có 3 hộ dân thuộc diện TĐC do ảnh hưởng của vùng lũ. Số còn lại, chủ yếu là con cái các hộ gia đình sau khi tách hộ đã được bố mẹ cho phần đất TĐC để làm nhà, sinh sống. Như gia đình bà Bùi Thị Nhân, sau khi tách hộ đã dành phần đất khu TĐC cho con trai lớn làm nhà, sinh sống còn bản thân bà vẫn ở lại khu vực “rốn” lũ với con trai út.
Lý giải về vấn đề này, chị Hoàng Thị Nhiến, con gái bà Nhân cho biết: Năm 2011 gia đình được cấp đất tại khu TĐC mới. Nhưng gia đình đã để dành cho cậu lớn làm nhà ra ở riêng, nên bây giờ không có đất để ở. Thời gian qua, chính quyền địa phương vận động di dời ra khu TĐC nhưng chúng tôi không đi được vì không còn đất nữa.
Một số người dân cho rằng: Ở đây, thì còn có nhà, có trâu bò, lợn gà... Vào trong khu TĐC không có đất canh tác, chăn nuôi. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại vùng lũ của xã Vĩnh Đồng thì hoàn toàn khác với những gì người dân phản ánh. Dù cho có sự cảnh báo sự nguy hiểm khi mưa lũ; được chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng khu TĐC, cấp đất làm nhà nhưng nhiều hộ gia đình vẫn dửng dưng trước mọi cảnh báo, bất chấp sự nguy hiểm của mưa lũ, tiếp tục xây dựng nhà kiên cố tại nơi ở cũ.
Đồng chí Bùi Văn Hùng cho hay: Một số người cố tình chây ì, cố tình bám trụ ở lại vùng “rốn” lũ, UBND xã đã đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện quyết liệt các biện pháp để người buộc người dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Theo đó, kể từ ngày 03/8/2018 huyện Kim Bôi đã đề nghị Công ty điện lực Kim Bôi cắt điện toàn bộ khu vực này. Cùng với đó, huyện cũng đang xem xét phương án thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực này, quyết không để người dân tiếp tục ở lại vùng lũ. Cùng với đó, huyện Kim Bôi cũng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án di dân TĐC cho 26 hộ dân còn lại trong xóm về nơi ở mới và triển khai thực hiện dự án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu TĐC...
Quyết liệt bố trí TĐC cho nhân dân về sinh sống ở nơi an toàn là thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Thiết nghĩ, người dân vùng lũ cần tích cực hưởng ứng, chấp hành việc di dời khỏi vùng nguy cơ xảy ra lũ quét chính là bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và người thân; đặc biệt không lén lút quay lại vùng lũ để canh tác, sinh sống, tránh hiểm họa đáng tiếc xảy ra.