PV: Được biết, Dự án được thực hiện ở quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) và Vịnh Hạ Long (TP. Hạ Long, Quảng Ninh). Cơ sở nào để GreenHub lựa chọn hai thành phố trên để thí điểm dự án, thưa bà?
Bà Trần Thị Hoa: Khoảng năm 2016, GreenHub và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp thực hiện các hoạt động trong Sáng kiến liên minh Hạ Long - Cát Bà. Trong đó, có hoạt động thường niên là sự kiện làm sạch bờ biển Hạ Long. Sau sự kiện này, GreenHub có số liệu về rác thải biển ở khu vực Vịnh Hạ Long. Đây là thông tin đầu vào cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý môi trường ở địa phương.
Số liệu về rác thải biển ở Vịnh Hạ Long cho thấy, số lượng rác xốp chiếm hơn một nửa trong số lượng rác thải thu được. Ngay sau khi nhận được báo cáo về số liệu rác thải, UBND TP. Hạ Long ra quyết định hạn chế và tiến đến cấm sử dụng phao xốp trong các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Nếu không dùng phao xốp, ngư dân sẽ sử dụng vật liệu gì? Vấn đề đặt ra là làm sao để vừa có số liệu, vừa vận động chính sách, đồng thời, phải có giải pháp cho ngư dân vùng ven biển.
Khi đó, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có một chương trình về tái chế rác thải đô thị. Nhận thấy chương trình này phù hợp để GreenHub xây dựng đề xuất dự án giảm thiểu rác thải nhựa hướng đến các thành phố quản lý rác thải tốt hơn. GreenHub đã có ý tưởng lựa chọn Hạ Long và Cát Bà để thí điểm dự án.
Hệ sinh thái biển là câu chuyện chung tổng thể, không thể tách biệt riêng vùng biển Hạ Long hay Cát Bà. Nếu Hạ Long nỗ lực ra những văn bản, quyết định về cấm sử dụng phao xốp, trong khi Cát Bà không có những nỗ lực tương đồng thì rõ ràng những nỗ lực của Hạ Long sẽ không đạt kết quả như mong muốn. Do vậy, GreenHub xây dựng đề xuất và nộp lên USAID lựa chọn Hạ Long, Cát Bà là hai thành phố trọng tâm đưa vào đề xuất Dự án “Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở vùng ven biển Đông Bắc Việt Nam”.
PV: Hiện nay, Dự án đang được triển khai ở các địa phương như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Hoa: Dự án được chính thức phê duyệt từ nhà tài trợ vào 31/3/2018. Trong quá trình chờ phê duyệt chính thức, GreenHub đã trao đổi với địa phương để thực hiện những nghiên cứu, khảo sát chuẩn bị thực hiện cho dự án, gặp gỡ các bên liên quan, phân tích một cách đầy đủ hiện trạng quản lý rác thải của các địa phương. Đồng thời, thực hiện những chuyến khảo sát tập trung vào vấn đề rác thải nhựa, trong đó, có rác thải phao xốp (ngư dân sử dụng phao xốp ra sao, hiện trạng các phao xốp như thế nào và chi phí của các vật liệu nổi), phối hợp với các tổ chức quốc tế và được chuyển giao những phương pháp khảo sát rác thải biển cũng như kiểm toán rác thải, kiểm toán nhãn hàng.
Khi thực hiện khảo sát, kiểm toán rác thải, kiểm toán nhãn hàng, GreenHub có được những số liệu là nền tảng để có những quyết định thực hiện hoạt động trọng tâm. Quá trình thực hiện cho thấy, câu chuyện liên quan đến rác thải nhựa không chỉ đơn thuần giải quyết rác nhựa, mà phải nhìn tổng thể các khía cạnh liên quan đến loại rác này, các loại rác thải nói chung, cũng như phải hiểu rác có thể trở thành tài nguyên nếu được phân loại và quản lý tốt. Bên cạnh đó, vấn đề của phao xốp là nguy cơ vỡ vụn thành những mảnh nhỏ trôi nổi trên biển, việc thu gom rất khó. GreenHub tiến hành những chuyến khảo sát về rác xốp hay làm việc với các cơ quan nghiên cứu để tìm giải pháp cải thiện.
Trong quá trình tìm hiểu, có một giải pháp hiện đang thí điểm là dùng một loại sơn được nhập khẩu từ Mỹ (sơn Line-X), có tính năng khi phủ lên bề mặt nào đó sẽ giúp vật liệu này chắc và bền. Sau một thời gian tìm hiểu và trao đổi với các bên, GreenHub tổ chức Hội thảo tham vấn các bên, chính thức triển khai thí điểm sơn phủ 30 phao xốp.
Trong quá trình thí điểm dự án, Cát Bà phải đi sau một bước; bởi tại đây, với quy hoạch cắt giảm lồng bè, sẽ cắt giảm một số lượng lớn lồng bè ở trên quần đảo Cát Bà. Cho nên, chưa xác định được lồng bè nào nằm trong quy hoạch vẫn được nuôi trồng thủy sản sau khi cắt giảm. GreenHub sẽ trao đổi thêm với UBND huyện Cát Hải để có những lựa chọn thí điểm phù hợp với chính sách của địa phương.
PV: Vậy, quan điểm của TP. Hạ Long và TP. Hải Phòng trong việc tiếp nhận dự án này như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Hoa: Trước khi chính thức phê duyệt Dự án này, tháng 9/2017, nhà tài trợ muốn đi tiền trạm. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã chủ động tổ chức chuẩn bị phòng họp, đón tiếp, chuẩn bị tàu bè đi tiền trạm trên biển để khảo sát. Sau đó, khi Dự án chính thức được phê duyệt, địa phương rất ủng hộ. Đến hợp phần thí điểm phao xốp cũng vậy; hiện, GreenHub đang phối hợp rất tích cực với địa phương để hoàn thành giai đoạn thí điểm để sớm có kết quả chính thức và công bố. Phía Cát Bà cũng rất ủng hộ thực hiện Dự án.
Ở Hạ Long, GreenHub phối hợp với IUCN đã triển khai 4 lần làm sạch bờ biển và có số liệu rác thải biển Hạ Long nhưng ở Cát Bà chưa thực hiện lần nào. Theo kế hoạch, dự kiến tháng 6/2019, nhân dịp Ngày Môi trường thế giới, GreenHub sẽ phối hợp với UBND huyện Cát Hải cùng tổ chức sự kiện làm sạch bờ biển và thu thập số liệu về rác thải ở các đảo thuộc quần đảo Cát Bà.
Thực ra, khi chuẩn bị thực hiện dự án nào, GreenHub đều tính đến việc sự tiếp nối sau khi dự án kết thúc. Chính vì vậy, chúng tôi luôn có sự tham vấn đầy đủ của chính quyền địa phương, trao đổi để biết đúng nhu cầu của cộng đồng địa phương. Về phía địa phương cũng sẵn sàng tiếp nhận các hoạt động và tiếp nối sau khi dự án này kết thúc vào tháng 3/2020.
Gần đây, trong trao đổi với cán bộ của Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT Hải Phòng, họ còn chủ động đề nghị GreenHub hỗ trợ những sáng kiến xanh, đưa ra những sản phẩm xanh, thay thế đồ nhựa một lần trong văn phòng của Sở, thí điểm thành công sẽ nhân rộng sau này.
PV: Theo bà, đâu là tiêu chí của một thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở vùng ven biển?
Bà Trần Thị Hoa: Trong quá trình thực hiện dự án, tôi nhận thấy có vài tiêu chí nên cân nhắc đối với một thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải vùng ven biển.
Trước hết là chính sách; từ phía chính quyền có những chính sách phù hợp, hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường; kịp thời đưa ra những chính sách giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải ở địa phương.
Tiếp đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, 70% rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền. Tất nhiên là đối với Việt Nam nói chung, Hạ Long và Cát Bà nói riêng chưa có số liệu chính thức. Trong năm 2019, GreenHub đang kết hợp với IUCN tổ chức tập huấn và khảo sát rác thải biển cho các khu bảo tồn biển Việt Nam và sẽ có báo cáo đánh giá nhanh về rác thải biển Việt Nam. Như vậy, một thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải biển sẽ phải có những phân tích đầy đủ về hiện trạng cũng như nguồn gốc rác thải biển để đưa ra được những chính sách, sáng kiến về quản lý rác thải phù hợp.
Cuối cùng, trong cộng đồng địa phương phải có những nhân tố đóng góp cho sự thành công để hướng đến thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải biển. Chính người dân, họ phải luôn nỗ lực xây dựng một thành phố xanh sạch đẹp và tự hào về thành phố mình đang sống. Từ đó, cả chính quyền và người dân biết chủ động bảo vệ môi trường sống cũng như duy trì hình ảnh về thành phố của họ, sẵn lòng đón nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài và tiếp quản các sáng kiến đó để quản lý rác thải tốt hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!