Kiên Giang:  Ứng dụng công nghệ để bảo vệ ngư dân vươn khơi, bám biển

Hùng Long| 17/11/2020 17:02

(TN&MT) - Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tổ chức khai thác thủy sản trên biển đang được tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ an toàn cho ngư dân vươn khơi, bám biển…

Việc ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ an toàn cho ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác nguồn lợi hải sản.

Tỉnh Kiên Giang có lợi thế ngư trường rộng, giáp ranh các nước Malaysia, Indonesia, Campuchia, giàu tiềm năng hải sản nhất miền Tây. Đây là địa bàn trọng điểm thực thi các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định quốc tế. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức khai thác thủy hải sản trên biển đã được chính quyền chú trọng chỉ đạo thực hiện từ 3 năm qua.

Đến nay, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã hoàn thiện hệ thống trang thiết bị sử dụng phần mềm kết nối với các tàu khai thác thủy sản gắn thiết bị điện tử giám sát hành trình, dánh dấu tàu. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng thực hiện quy trình đăng kiểm, cấp phép, chứng nhận,… xác lập hồ sơ quản lý hoạt động cho các phương tiện khai thác, truy suất nguồn gốc thủy sản phục vụ xuất khẩu, chống khai thác bất hợp pháp.

Với hệ thống thiết bị, trên nền mạng viễn thông, cán bộ Chi cục Thủy sản ngồi trong phòng làm việc tại TP.Rạch Giá, nhìn vào màn hình máy tính đã có thể theo dõi thường xuyên hoạt động của khoảng 3.500 chiếc tàu có gắn thiết bị định vị, giám sát hành trình, đánh dấu tàu, di chuyển khai thác trong ngư trường biển Tây, biển Đông, cách xa bờ hàng trăm hải lý.

Cán bộ Chi cục Thủy sản theo dõi hành trình của tàu cá khai thác trên màn hình. A:HQ.

Trong số 3.864 tàu cá của ngư dân có chiều dài từ 15m trở lên đã có 3.480 tàu gắn thiết bị giám sát hành trình. Những chiếc tàu có gắn thiết bị định vị, giám sát hành trình đều dễ dàng nhận và phát tín hiệu, các thông điệp trao đổi với cơ quan chức năng, để phối hợp, kịp thời triển khai các biện pháp, hành động cứu hộ, cứu nạn, giảm thiểu rủi ro trong các tình huống thời tiết xấu, bão tố, sự cố hư hỏng máy,… Đặc biệt, cơ quan quản lý có thông điệp cảnh báo đến thuyền trưởng khi tàu vượt qua ranh giới vùng biển Việt Nam, tránh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp, đảm bảo an toàn về pháp lý trong chuỗi ngày mưu sinh trên biển cho ngư dân.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, Chi cục Thủy sản đã phát 111 thông điệp cảnh báo vượt ranh giới đến 457 tàu khai thác, ban hành 11 văn bản cảnh báo vượt ranh giới đến 12 tàu khai thác. Dữ liệu giám sát hành trình là cơ sở xác lập bằng chứng, tham mưu UBND tỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ (3 tàu cá) về hành vi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Sở NN&PTNT cũng đã tiến hành xem xét, xử lý vi phạm hành chính 181 tàu cá về các hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình, không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình, không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị bị hỏng.

Thiết bị điện tử định vị, giám sát hành trình, hỗ trợ truyền tín hiệu, thông điệp để kịp thời phối hợp triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân trên biển. (A:GS)

Dù vậy, trên thực tế, vẫn còn không ít chủ tàu chưa ý thức, tự giác thực hiện đầu tư gắn thiết bị điện tử định vị, đánh dấu tàu và chấp hành quy định, nên còn gặp sự cố rủi ro, rắc rối về pháp lý. Sở NN&PTNT Kiên Gang báo cáo 8 tháng đầu năm còn có ít nhất 37 tàu cá (393 ngư dân) bị nước ngoài bắt giữ, xử lý về hành vi vi phạm vùng biển, khai thác hải sản bất hợp pháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đang chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường giải pháp thực hiện việc lắp đặt thiết bị điện tử giám sát hành trình cho tàu cá. Tiếp tục đầu tư kinh phí trang thiết bị ứng dụng công nghệ cho các lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả trong việc giám sát, quản lý, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác hợp pháp. Đồng thời tiến hành biện pháp truy quét, điều tra, xử lý tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép.

Việc ứng dụng công nghệ giám sát hành trình tàu khai thác đã hỗ trợ cơ quan chức năng quản lý xác lập hải trình từng tàu khai thác, trên cơ sở đó yêu cầu thuyền trưởng lập nhật ký khai thác để đối chứng. “Theo qui định, thuyền trưởng phải ghi chép tọa độ con tàu trước, trong và sau khi buông lưới; ghi rõ chủng loại, số lượng hải sản đánh bắt được. Vô đến bờ Biên phòng kiểm tra cấp giấy, sau đó mới được phép cập cảng”. Ông Võ Đăng Khoa, Thuyền trưởng tàu KG 95671, cho biết.

Sau những chuyến ra khơi khai thác, vào các cảng đầu mối (Bến Cá, Tắc Cậu, An Thới), từng chủ tàu phải xuất trình nhật ký khai thác để Ban Quản lý Cảng đối chiếu với hải trình đã được ghi nhận trên trang Web kiểm soát hải trình của Chi cục Thủy sản và còn có cán bộ xuống giám sát bốc dỡ số lượng, chủng loại sản phẩm đã khai thác, trên cơ sở đối chiếu hải trình, nhật ký khai thác, chủng loại sản lượng để thực hiện thủ tục xác nhận nguồn gốc sản phẩm hợp pháp.

Nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác hợp pháp được xác lập trên cơ sở dữ liệu hải trình ghi nhận qua hệ thống công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. (A:GS).

Hiện nay, Sở NN-PTNT Kiên Giang tiếp tục đầu tư bổ sung trang thiết bị điện tử phục vụ lưu trữ hồ sơ, đảm bao truy xuất nhanh thông tin dữ liệu, in ấn hồ sơ về phương tiện cập cảng, rời cảng, theo dõi, truy xuất hành trình khai thác trên biển, xác nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác hợp pháp,… cho các bộ phận chuyên môn.

Bình quân sản lượng khai thác hải sản tự nhiên của tỉnh Kiên Giang đạt trên 6.000 tấn/năm, chiếm trên 40% sản lượng vùng ĐBSCL và trên 16% tổng sản lượng cả nước. Với 9.871 tàu khai thác, gồm: 603 chiếc loại lớn (dài trên 24m); 4.887 tàu trung (dài từ 12m đến dưới 24m) và 4.381 tàu nhỏ (dài từ 6m đến dưới 12m).

Đến nay, đã gắn thiết bị điện tử đánh dấu tàu cá cho 100% tàu lớn, 73,6% tàu trung, 16% tàu nhỏ. Gắn thiết bị điện tử định vị, giám sát hành trình 97% tàu lớn, 89% tàu trung, còn 384 tàu (10%) chưa gắn thiết bị điện tử giám sát hành trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang:  Ứng dụng công nghệ để bảo vệ ngư dân vươn khơi, bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO