Kiên Giang: Lạ lùng 5 năm nghiên cứu, thẩm tra một lá đơn khiếu nại

27/06/2017 00:00

(TN&MT) - Từ năm 2012 đến nay, bà Dương Thị Dân, trú tại ấp 4, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã nhiều lần “đội đơn” đến gõ cửa UBND huyện Phú Quốc yêu cầu xác định nguồn gốc đất và bồi thường phần diện tích đất bị thu hồi. Lần nào cũng vậy, bà Dân gửi đơn đều được cán bộ Tổ tiếp công dân của UBND huyện Phú Quốc đón tiếp “niềm nở” và hứa sẽ chuyển đến các cơ quan, ban ngành xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, đơn khiếu nại của bà Dân hiện vẫn đang được Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Phú Quốc nghiên cứu, thẩm tra, xem xét (!?).

 Những tấm biên nhận hồ sơ và đơn khiếu nại của bà Dân
Những tấm biên nhận hồ sơ và đơn khiếu nại của bà Dân

Giữa cái nắng như thiêu như đốt những ngày trung tuần tháng 6, phóng viên Báo TN&MT đã về Ấp 4, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc tìm hiểu về trường hợp của bà Dương Thị Dân. Đón chúng tôi trong căn nhà lụp sụp, bà Dương Thị Dân gạt mồ hôi, bộc bạch: “Cực lắm các chú ạ, tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi rồi mà vừa phải chăm sóc cây trồng, vật nuôi, vừa phải ôm đơn đi gửi cấp các cấp chính quyền. Vậy mà, 5 năm trôi qua, đơn của tôi ít nhất 4 lần được Tổ tiếp dân của huyện tiếp nhận, vào sổ và có giấy biên nhận hồ sơ hẳn hoi, nhưng chờ hoài, chờ mãi vẫn không được giải quyết”.

Theo đơn của bà Dương Thị Dân gửi cho Báo TN&MT, bà Dân trình bày: Vào năm 1992, gia đình bà từ đất liền qua huyện Phú Quốc lập nghiệp. Năm 1996, gia đình bà khai phá được một thửa đất hoang có diện tích là 10.698,20m2. Cuối năm 1997, đầu năm 1998, bà trồng được 700 bụi tiêu trên diện tích 6.000m2, phần diện tích còn lại 4.698,20m2 trồng các lọai cây lâu năm.

Bà Dương Thị Dân bên phần đất của mình.
Bà Dương Thị Dân bên phần đất của mình.

Đến năm 2001, do nhu cầu sản xuất, hộ bà Dân được Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn xác nhận đất không tranh chấp, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phần diện tích 6.000m2 (đất trồng tiêu). Phần diện tích đất còn lại, gia đình bà trồng các lọai cây ăn trái và cây lâu năm khác vừa tạo công ăn việc làm cho con cháu và có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống kinh tế gia đình.

Năm 2007, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Phòng TN&MT huyện Phú Quốc thực hiện việc đo đạc Sơ đồ 15, đã công nhận phần đất 10.698,20m2 của gia đình bà Dương Thị Dân là lọai đất LNC (cây lâu năm) thuộc thửa đất số 20 ấp 4, xã Cửa Cạn.

Vườn cây ăn trái gia đình bà Dân vẫn còn chăm sóc.
Vườn cây ăn trái gia đình bà Dân vẫn còn chăm sóc.

Năm 2010, UBND huyện Phú Quốc ban hành Quyết định số 4239/QĐ-UBND ngày 29/11/2010, thu hồi đất của gia đình bà Dương Thị Dân với tổng diện tích 6.322,50m, trong đó đất trồng cây lâu năm là 2.371,5m2; đất rừng đặc dụng là 3.951m2. Việc thu hồi đất của gia đình bà Dân và một số hộ khác nhằm thực hiện dự án khu Du lịch sinh thái Vũng Bầu, tại ấp 4, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc do Công ty TNHH May thêu -Thương mại Lan Anh làm chủ đầu tư. Theo đó, gia đình bà Dương Thị Dân được bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng số tiền là gần 688 triệu đồng.

Không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ nói trên, bà Dương Thị Dân làm đơn khiếu nại tới UBND huyện Phú Quốc. Việc khiếu nại, theo bà Dân, trong quyết định xác định vị trí, ranh giới thửa đất được trích đo địa chính thửa đất số 93, tỉ lệ 1/2672 do Trung tâm Kỹ thuật TN&MT Kiên Giang lập ngày 27/5/2010 là không chính xác. Việc đo đạc, xác định sai dẫn đến việc ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ hoàn toàn không đúng, làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của gia đình bà.

Cụ thể, phần đất của gia đình bà Dương Thị Dân có tổng diện tích là 10.698,20m2. Trong đó, theo Quyết định số 4239 của UBND huyện Phú Quốc thu hồi diện tích là 6.322,50m2. Tuy nhiên, tại Bảng tổng hợp bồi thường đất đai, hoa màu, vật kiến trúc trong quy hoạch khu Du lịch sinh thái Vũng Bầu của Công ty TNHH May thêu - Thương mại Lan Anh tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc thì phần diện tích của gia định bà Dân ghi là 10.322,50m2, đúng theo diện tích đo đạc của Trung tâm Kỹ thuật TN&MT Kiên Giang lập ngày 27/5/2010. Trong Bảng tổng hợp bồi thường ghi cụ thể: Đất Nông nghiệp lâu năm 2.371,5m2 (Vùng đệm- Thu hồi); đất Nông nghiệp lâu năm 3.951m2 (Vườn Quốc gia) và đất nông nghiệp lâu năm 4.000m2 (Vùng đệm- Thu hồi). 

Điều khó hiểu là, không biết Trung tâm Kỹ thuật TN&MT Kiên Giang và các phòng, ban chức năng liên quan của huyện Phú Quốc căn cứ vào đâu mà lại chuyển hóa toàn bộ diện tích đất của gia đình bà Dân đang quản lý, sử dụng, canh tác là 10.322,50m2 thành đất nông nghiệp lâu năm và đều nằm trong Vùng đệm Vườn quốc gia, thậm chí nằm trong Vườn quốc gia?!

Trong khi tại biên bản xác nhận của UBND xã Cửa Cạn ngày 28/9/2001 khẳng định phần diện tích đất là 6.000m2 của gia đình bà Dân đang quản lý, sử dụng, canh tác, không có tranh chấp đủ điều kiện cấp Giấy CNQSDĐ. Hơn nữa, trong Sơ đồ 15, đều ghi phần đất 10.698,20m2 của gia đình bà Dân đang quản lý, canh tác là lọai đất LNC (cây lâu năm) thuộc thửa đất số 20, ấp 4, xã Cửa Cạn. Thậm chí, tại Sơ đồ 15, dễ dàng nhận thấy, một số hộ giáp ranh liền kề với hộ gia đình bà Dân như các hộ: Mai Thị Phượng, Châu Hồng Thu, Đoàn Văn Nghiệp đều ghi loại đất có ký hiệu LNC (Cây lâu năm)…

Bà Dân tỏ ra bức xúc, phần diện tích 4.000m2 (đúng ra là 4.375,7m2) xác định là phần “đất nông nghiệp lâu năm (vùng đệm) – thu hồi, tự khai phá vào tháng 2 năm 1998” là không đúng. Bởi vì, gia đình bà khai hoang, phục hóa vào năm 1996, đến cuối năm 1997 thì bắt đầu trồng tiêu và trồng các lọai cây khác, đến đầu năm 1998 thì vườn cây đã được hình thành đủ điều kiện làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng vào năm 2002. Hơn nữa, tại Sơ đồ 15 cũng công nhận là lọai đất “Cây lâu năm”, không có cái gọi là “đất rừng” hay “vùng đệm”. Và tính tới thời điểm hiện nay, gia đình bà Dân vẫn đang sinh sống ổn định, canh tác và chăm sóc các lọai cây trồng trên phần đất này.

Trước những bất cập trên, từ năm 2012 đến nay, bà Dương Thị Dân đã nhiều lần “ôm” đơn gửi tới UBND huyện Phú Quốc và các phòng, ban chức năng yêu cầu được thẩm tra, xác minh và bồi thường đúng quy định của pháp luật trên tổng diện tích 10.698,20m2 đất của gia đình bà đã có giấy tờ, nguồn gốc, sử dụng ổn định lâu dài, không tranh chấp, có thành quả trên đất.

Riêng phần đất nền tái định cư, bà Dân chó biết các hộ xung quanh với đất của bà đã được nhận từ lâu. Riêng gia đình bà là gia đình chính sách, bao gồm 7 nhân khẩu, đủ điều kiện bố trí 2 nền tái định cư. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được bố trí phù hợp, dù trước đó bà Dân nhận được những lời hứa suông từ chính quyền địa phương.

Vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng đến này đã 5 năm trôi qua, đơn khiếu naị của bà Dân vẫn “dậm chân tại chỗ”, điệp khúc gửi đơn tới Tổ công tác tiếp dân thuộc UBND huyện Phú Quốc, cán bộ tiếp nhận, có biên bản nhận hồ sơ, nhưng khồng hề được xem xét, giải quyết và rồi “chìm” vào quên lãng. Cụ thể nhất là gia đình bà Dân còn lưu giữ lại các biên nhận vào các ngày 25/06/2012, ngày 26/03/2013, và ngày 04/08/2014. 

Quá bức xúc, bà Dân cầu cứu cơ quan báo chí. Phóng viên Báo TN&MT trực tiếp làm việc với Tổ tiếp công dân huyện Phú Quốc, cán bộ ở đây yêu cầu bà Dân gửi lại hồ sơ. Thế là ngày 17/3/2017, bà Dân lại tiếp tục “khăn gói” đến để nộp đơn khiếu nại. Tuy nhiên đến nay, đã hơn 3 tháng trời, bà Dương Thị Dân vẫn “dài cổ” ngóng trông đơn của mình được xem xét, giải quyết, nhưng kết quả nhận được vẫn là sự im lặng đến đáng sợ của các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Quốc - địa phương được ví là Đảo Ngọc của đất nước.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về hành trình xác minh đơn thư của bà Dương Thị Dân trong vụ việc này.

                                                          Bài & ảnh: Bạch Thanh - Phạm Hoạch

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Lạ lùng 5 năm nghiên cứu, thẩm tra một lá đơn khiếu nại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO