Theo Báo cáo của Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Cục đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt Dự án kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 (Quyết định số 867/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 4 năm 2015), đồng thời tổ chức 2 hội nghị tập huấn tại Bình Dương và Phú Thọ cho 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu cho Tổng cục trình Bộ ban hành văn bản chỉ đạo, tham mưu để Tổng cục ban hành Công văn số 1592 về việc hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc khi thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng năm 2014 và 2 công điện chỉ đạo UBND các tỉnh, thành khẩn trương kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Phối hợp với Cục Viễn thám và Trung tâm Dữ liệu và Truyền thông đất đai hoàn thành xây dựng bình đồ ảnh viễn thám gồm 245 xã ven biển và 241 xã chưa có bản đồ địa chính thuộc 6 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; phần mềm hỗ trợ kiểm kê đất đai để cung cấp cho các địa phương sử dụng.
Tuy nhiên, kết quả báo cáo sau khi tổ chức 14 đoàn kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn chỉ đạo địa phương công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2014 cho thấy, tiến độ của hầu hết hầu hết các địa phương còn chậm, chưa quyết liệt. Việc này có thể ảnh hưởng tới kế hoạch, kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 bởi cấp xã phải hoàn thành trước ngày 1/6/2015.
Các tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang tập trung chỉ đạo sát sao công tác kiểm tra kiểm kê đất đai. Ảnh: Hoàng Minh |
Nguyên nhân của việc chậm trễ là do thời gian thực hiện công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2014 diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên Đán kéo dài và trùng với thời gian các địa phương thực hiện công tác chuẩn bị Đại hội đảng các cấp, khiến kết quả thống kê, kiểm kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị chậm hơn so với kế hoạch dẫn đến báo cáo thống kê cả nước bị chậm. Hơn nữa, việc chưa kịp bố trí kinh phí cho địa phương để thực hiện công tác kiểm kê đất đai cũng là một nguyên nhân của việc chậm triển khai.
Đơn cử như tại tỉnh Lai Châu, theo Sở TN&MT, dù là tỉnh nghèo song đến nay Lai Châu chưa được trung ương hỗ trợ kinh phí kiểm kê đất đai, do đó dẫn đến có hiện tượng làm việc cầm chừng ở một số đơn vị.
Khó khắn nữa là tỉnh có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn và tư liệu, tài liệu về đất đai không nhiều (chủ yếu được thiết lập, xây dựng từ năm 2004 trở lại đây thời điểm tách tỉnh đến nay; các tài liệu trước đó rất ít và hầu như không có dữ liệu số hoặc quá cũ không sử dụng được).
Đất lâm nghiệp tại địa phương chưa được đo vẽ bản đồ địa chính chiếm phần lớn diện tích tự nhiên phải sử dụng nguồn tài liệu địa chính cơ sở có độ chính xác không cao để thực hiện kiểm kê đất đai kết hợp các phương pháp khoanh vẽ bằng phương pháp đối diện, sử dụng tư liệu ảnh máy bay, ảnh vệ tinh, phương pháp chỉnh lý trên các hồ sơ địa chính... để tạo bản đồ khoanh đất. Đây là bước công việc tốn thời gian và nhân lực, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng kết quả kiểm kê đất đai.
Lai Châu là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số với phong tục tập quán làm nương luân canh nên việc khoanh vẽ và xác định vị trí, diện tích đất nương rẫy gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng xâm canh, xâm cư xảy ra ở hầu hết tất cả các xã trên địa bàn toàn tỉnh. Thời điểm kiểm kê cấp xã lại trùng vào thời gian nghỉ tết âm lịch và phong tục nghỉ tết của một số dân tộc thường kéo dài…
Để đẩy nhanh việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai đề nghị Bộ TN&MT có ý kiến với Văn phòng Chính phủ sớm phê duyệt kinh phí cho địa phương để triển khai công tác kiểm kê. Đồng thời, đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quan tâm chỉ đạo thực hiện kiểm kê đối với đất an ninh, quốc phòng để đảm bảo tiến độ và thời gian thực hiện.
Công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình sử dụng và biến động trong sử dụng đất, làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; cung cấp kịp thời những thông tin chi tiết và chính xác về đất đai để hoạch định các chính sách, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và việc quản lý, sử dụng hợp lý, có hiệu quả vốn tài nguyên đất đai; đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn cả nước. |
Trường Tuyết