“Kích hoạt” phong trào chống rác thải nhựa ở Hà Tĩnh- Bài cuối: Cần có giải pháp bền vững
Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu luôn là vấn đề cấp bách không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Ngoài việc nâng cao ý thức cộng đồng, trách nhiệm của mỗi cá nhân hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần và túi nilon, tìm sản phẩm thay thế vẫn được đánh giá là “điểm chốt” để hướng đến mục tiêu bền vững.
Chuyển biến từ thay đổi nhận thức
Các tổ chức môi trường quốc tế cũng như nhiều quốc gia đang kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nylon. Muốn làm được điều này, trước hết, chúng ta phải bắt đầu từ việc giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi nylon khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cùng với nỗ lực chung, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như kế hoạch 123/KH-UBND về triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND tỉnh kèm theo Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa là cơ sở pháp lý quan trọng liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về rác thải nhựa theo văn bản 148/KH-UBND, kế hoạch “Thông tin, tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025”. Cụ thể, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và hướng dẫn triển khai các hoạt động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh thông qua các cuộc tập huấn, các chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh, trong phong trào chống rác thải nhựa, nhận thức đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy hành động. Do đó, mục tiêu của Hà Tĩnh đặt ra trong giai đoạn 2021- 2025, đạt 90% người dân được cung cấp đầy đủ thông tin về công tác phòng chống rác thải nhựa thông qua hệ thống truyền thông; 85% người dân các huyện, thị, xã ven biển, khu vực đô thị được tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, trong đó 60% người dân thay đổi thói quen sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa, có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường”.
Trên cơ sở đó, sự phối hợp trong công tác tuyên truyền giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các địa phương đã được đẩy mạy, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử có trách nhiệm của toàn xã hội trong việc quản lý, sử dụng rác thải nhựa. Nhờ đó, kết quả bước đầu đạt được đáng để ghi nhận và xác định đây là hướng đi đúng, tạo nền tảng tư tưởng để cộng đồng cùng tham gia đẩy lùi rác thải nhựa.
Gỡ “điểm chốt” từ sản phẩm thay thế
Đánh giá chung của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho thấy, phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn đang dần đi vào cuộc sống khi người dân ý thức hơn trong lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường như: dùng chai thuỷ tinh, ống hút, cốc hút bằng giấy, túi mua hàng bằng cói, giấy, đi chợ mang làn hay dùng sản phẩm dễ phân hủy… thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần và hạn chế sử dụng túi nilong.
Hiện nay nhiều nhà hàng, siêu thị, cửa hàng quần áo chú trọng hơn đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Một số siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý bán lẻ đã, đang xây dựng lộ trình thay thế sử dụng các dụng cụ, bao bì đựng, gói sản phẩm, hàng hóa bằng các vật dụng khác như lá chuối, lạt tre, hộp, túi giấy; có chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng sản phẩm, thẻ tích điểm... đối với các trường hợp lựa chọn sản phẩm không đóng gói bằng túi nilon, hộp nhựa.
Trong khoảng hơn 30 tỷ túi nilong bị thải bỏ, chỉ có 17% trong số đó được tái sử dụng. Túi nilong chiếm 1/3 số lượng rác thải nhựa tại Việt Nam và Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia thải ra rác thải nhựa đại dương nhiều nhất châu Á. Rác thải nhựa như túi nilong, vỏ hộp xốp, ống hút nhựa khó phân hủy dẫn đến thảm họa "trắng" là ô nhiễm nhựa.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ở một số cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn không sử dụng đồ uống nước đóng chai nhựa dùng một lần trong các hội nghị, cuộc họp, dùng bình, ấm, xuyến, cốc, chén… bằng thủy tinh hoặc sành sứ để sử dụng nhiều lần; sử dụng máy chiếu thay thế phông, bạt bằng chất liệu nhựa; hạn chế dùng túi nhựa, bìa bóng kính để đựng tài liệu. Một bộ phận nhà hàng, quán ăn thay thế ống hút, cốc, thìa, hộp đựng và các vật dụng khác làm bằng nhựa bằng hộp giấy, ống hút, cốc giấy, thìa kim loại; cốc sành sứ, thủy tinh…
Nhiều hộ gia đình dần thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm, đồ dùng hàng ngày bằng túi nilong các sản phẩm nhựa dùng một lần chuyển sang dùng làn đi chợ; cặp lồng; cốc thủy tinh; ống hút bằng gỗ, tre, nứa... Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai hiệu quả mô hình “Phụ nữ sống xanh”; “Chợ dân sinh nói không với rác thải nhựa” tại một số địa phương.
Dù vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng các mô hình hiện nay chưa được duy trì thường xuyên; một số mô hình mới mang tính chất thử nghiệm, chưa được nhân rộng. Bên cạnh đó, chưa có chính sách để khuyến khích, tạo động lực cho người dân thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa.
Ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thừa nhận những khó khăn gặp phải: “Việc sử dụng túi nilong khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở thành thói quen khó bỏ của người dân do tính tiện lợi của chúng; việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trở nên phổ biến đặc biệt là ở các nhà hàng, quán ăn nhỏ lẻ, quán cafe, đồ ăn nhanh.
Mặt khác, việc tuyên truyền cho các hộ kinh doanh, buôn bán ở các chợ, các quầy hàng trên địa bàn tỉnh chưa được nhiều dẫn đến hiệu quả trong giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần chưa cao. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn mới chỉ tập trung ở việc sử dụng túi nilong khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, thời gian tới cần chú trọng trong việc hạn chế sản xuất hoặc cung cấp các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilong khó phân hủy mà thay vào đó là tuyên truyền sử dụng các sản phẩm thay thế. Đây là “điểm chốt” để hướng đến mục tiêu bền vững.
Đặc biệt lưu ý lĩnh vực du lịch, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, nhấn mạnh: “Phải xây dựng quy chế quản lý khu du lịch trong đó có nội dung riêng về quản lý rác thải nhựa, niêm yết công khai tại vị trí phù hợp; các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú không cấp phát miễn phí túi nilong khó phân hủy cho du khách; sử dụng túi ni lông dễ phân hủy thay thế cho túi nilong khó phân hủy để cung cấp khi du khách yêu cầu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống ở khu du lịch phải ký cam kết về việc cắt giảm rác thải nhựa”.