Môi trường

“Kích hoạt” phong trào chống rác thải nhựa ở Hà Tĩnh: Bài 3: Nhân rộng cách làm hay

Đức Cảnh 25/08/2023 - 22:39

Lấy phương châm hành động bám sát với thực tiễn, nhiều mô hình chống rác thải nhựa ở Hà Tĩnh đã tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư. Những sáng kiến, cách làm hiệu quả đang dần được nhân rộng, góp phần giảm nhiệt cho môi trường.

Gần 8.000 mô hình vận động được thành lập

Là lực lượng tiên phong tham gia phong trào chống rác thải nhựa, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu hành động từ chính ở cơ quan mình. Ngoài nâng cao nhận thức về tác hại, Hội đã vận động cán bộ, hội viên xây dựng thói quen, hành vi sử dụng sản phẩm dễ phân hủy hoặc có thể tái chế, tái sử dụng để thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilong khó phân hủy.

anh-1.-phu-nu.jpg
Mô hình "Phụ nữ sống xanh" đi chợ không túi nilong được nhân rộng tại Hà Tĩnh

Giảm sử dụng tức là đang hạn chế được chất thải nhựa thải ra môi trường, từ suy nghĩ đến cách làm Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh dần xây dựng những mô hình và triển khai đạt hiệu quả. Cũng chính từ những mô hình này, qua phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội nghị đã tạo sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân, từ đó nhiều mô hình được nhân rộng.

chai-nuoc-thuy-tinh.jpg
Các sản phẩm chai đựng nước bằng nhựa nay được thay bằng thủy tinh tại hội nghị

Trong những năm qua, mô hình “chị em phụ nữ xách giỏ đi chợ” không còn xa lạ trên địa bàn Hà Tĩnh. Việc xách giỏ, túi vải đi chợ đã góp phần tuyên truyền trong cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân hạn chế sử dụng túi nilong trong sinh hoạt, hưởng ứng phong trào.

anh-2.-phu-nu(1).jpg
Mô hình chị em xách giỏ đi chợ không còn xa lạ

Mặt khác, Ban thường vụ Hội LHPN Hà Tĩnh cũng đã tổ chức hội nghị phát động phong trào chống rác thải trong đội ngũ cán bộ 13 huyện, thành, thị và các đơn vị trực thuộc. Theo đó, các đơn vị đã triển khai kế hoạch tổ chức phát động trong cán bộ hội viên phụ nữ. Kết quả đến nay, đã triển khai đến tận 100% cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở.

Báo cáo của Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, qua tổ chức đã đẩy mạnh, cũng cố, vận động, hỗ trợ thành lập gần 8.000 mô hình vận động hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan đường làng ngõ xóm như tổ/nhóm/ chi hội thực hiện các tiêu chí “3 sạch” như tổ “phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường, thu gom rác thải”, mô hình “mười hộ liền kề”…

anh-chi-viet-ha-2(1).jpg
Chị Nguyễn Thị Việt Hà- Bí thư Huyện ủy Vũ Quang, Hà Tĩnh (Nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh ) giành rất nhiều tâm huyết, hiến kế cho phong trào chống rác thải nhựa đạt được hiệu quả

Chị Nguyễn Thị Việt Hà, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang (Nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh), chia sẻ: “Xây dựng mô hình hiệu quả được xem như một hình thức tuyên truyền thực tế và hữu hiệu, bởi mục đích là dần thay đổi nhận thức, hạn chế sử dụng túi nilong khó phân hủy. Từ sự lan tỏa bước đầu, xây dựng chương trình, tuyên truyền cụ thể đến người dân về tác hại của túi ni-long và sản phẩm nhựa dùng một lần”.

Tại Hà Tĩnh, cũng chính từ các tổ chức Hội, nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được gây dựng, duy trì hoạt động vừa để tuyên truyền đến người dân, đồng thời trực tiếp thu hút cộng đồng cùng tham gia thực hiện. Bước đầu có thể ghi nhận những mô hình như: “Phụ nữ sống xanh”, “Nói không với rác thải nhựa”, “Phân loại rác tại nguồn”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học... đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường.

Tăng tốc để “giảm nhiệt” cho môi trường

Theo thống kê, bình quân mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 700 tấn rác thải ra môi trường (trong đó rác hữu cơ chiếm 70 %), ngân sách chi cho xử lý hơn 130 tỷ đồng. Để xử lý, nhiều địa phương phải đốt hoặc chôn lấp một cách thủ công gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.

anh-4.-rac-thai.jpg
Người dân huyện Đức Thọ tiến hành phân loại, xử lý rác tại nguồn nhằm giảm bớt áp lực cho môi trường

Khắc phục tình trạng này, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải tại nguồn với nhiệm vụ giảm thiểu rác thải nhựa. Được biết, qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua Hà Tĩnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện thành phong trào và thu hút được đông đảo các tổ chức hội, người dân nói chung cùng tham gia.

Phân loại rác tại nguồn được xác định sẽ cho rác thải nhựa một vòng đời mới, rác thải hữu cơ được tái sinh có ích cho người phát thải rác. Mặt khác, cách làm này còn giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.

Ông Phan Lam Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh

Nếu như trước đây, người dân thường có thói quen bỏ rác lẫn lộn vào túi nilong rồi chờ người thu gom thì nay được phân loại thành rác hữu cơ dễ phân hủy và rác thải rắn khó phân hủy thành hai thứ riêng biệt. Bên cạnh đó, việc xử lý rác sau khi phân loại cũng được các cấp Hội phụ nữ, chính quyền, phòng chuyên môn phối hợp hướng dẫn người dân tiến hành.

anh-5.-nhua.jpg
Công tác tuyên truyền về rác thải nhưa được đẩy mạnh tại các trung tâm thương mại ở Hà Tĩnh

Với lợi thế đất vườn rộng, người dân ở các vùng nông thôn Hà Tĩnh sau khi được hướng dẫn thực hiện rất hào hứng triển khai và cho thấy hiệu quả. Chị Trần Thị Thủy ở thôn Liên Vinh, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, cho biết: “Gia đình có bốn nhân khẩu, cứ mỗi tuần phải đổ rác một lần. Vậy nhưng, từ khi thực hiện phân loại rác thải thì chỉ hai đến ba tuần mới phải đổ rác. Lượng rác thải đã giảm hơn một nữa, phần lớn rác dễ phân hủy được thu riêng để làm phân vi sinh bón cho cây trồng.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch HLHPN xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà chia sẻ: “Trong bốn năm qua, Hội đã tích cực đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động và thu hút được trên 85 % hộ dân tham gia. Vào ban ngày đến hướng dẫn, kiểm tra, còn ban đêm tổ chức họp Tổ liên gia để nhắc nhỡ cách phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình”.

anh-6.jpg
Khẩu hiệu nhắc nhở người dân tham gia chống rác thải nhựa tại chợ tỉnh Hà Tĩnh

Nhờ cách làm quyết liêt, sáng tạo, xã Thạch Đài được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu ở huyện Thạch Hà trong việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Kết quả này không chỉ giảm lượng rác thải thu gom, góp phần tiếp kiệm kinh phí xử lý mà còn trực tiếp làm cho môi trường xanh- sạch- đẹp.

Theo lộ trình đến năm 2025, Hà Tĩnh thực hiện đồng loạt phân loại rác tại nguồn ở tất cả các địa phương, tăng lượng chất thải thu hồi tái chế hoặc chế biến chất thải hữu cơ (ở đô thị là 10% và ở nông thôn là 30% và tăng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo). Theo đó, các ban, ngành, địa phương tại Hà Tĩnh hiện đang đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn với nhiệm vụ giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

anh-7.jpg
"Ngôi nhà xanh" mang ý nghĩa lớn từ phong trào chống rác thải nhựa

Được biết, phát huy hiệu quả từ việc phân loại rác tại nguồn với nhiệm vụ chống rác thải nhựa, nhiều địa phương tại Hà Tĩnh như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Sơn…cũng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đặc biệt, các địa phương triển khai hoàn thành, nâng cao và giữ tiêu chí nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kích hoạt” phong trào chống rác thải nhựa ở Hà Tĩnh: Bài 3: Nhân rộng cách làm hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO