Nhiệt độ tăng khiến tốc độ tan băng nhanh hơn, đe dọa môi trường sống của gấu Bắc Cực |
Trong tuyên bố đặng trên BioScience - Tạp chí của Viện Khoa học sinh học Mỹ, các nhà khoa học nói trên cảnh báo nhân loại sẽ không thể tránh khỏi những thảm họa tàn khốc nếu không thay đổi sâu rộng và lâu dài trong các hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cũng như các yếu tố khác liên quan đến biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, nhà khoa học William Ripple - một trong những tác giả của văn kiện trên, nêu rõ: "Biến đổi khí hậu đang diễn ra và nó diễn ra với tốc độ nhanh hơn mà nhiều nhà khoa học dự báo". Các nhà khoa học cũng công bố một bộ giải pháp giảm thiểu phát thải trong nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng, tự nhiên, thực phẩm, kinh tế, dân số....
Theo đó, họ kiến nghị chính phủ các nước khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh khí carbon thấp thay thế nguyên liệu khóa thạch và loại bỏ trợ cấp cho các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng hối thúc chính phủ các nước chuyển đổi sang mô hình kinh tế không carbon để giải quyết sự phụ thuộc của con người vào sinh quyển, cũng như bình ổn tình trạng gia tăng dân số thế giới hiện đang tăng khoảng 200.000 người/ngày.
Trong một diễn biến liên quan khác, vừa qua, theo báo cáo của ông Robert Watson - cựu Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), phần lớn những cam kết mang tầm cỡ quốc gia được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 vẫn chưa tương xứng để có thể ngăn chặn hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng Trái đất ấm lên.
Tác giả báo cáo đánh giá chính phủ các nước đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, song những nỗ lực này chưa đủ và các nước cần đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 25), dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới tại Tây Ban Nha.
Báo cáo của ông Wastson chỉ rõ chỉ có 36 trong tổng số 184 nước tham gia Hiệp định Paris đưa ra cam kết phù hợp và quyết tâm theo đuổi cam kết đó để đạt được mục tiêu chung kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cụ thể, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 40% lượng khí thải carbon so với mức năm 1990. Hơn 10 nước, như như Australia, Nhật Bản và Brazil, được đánh giá có những nỗ lực vừa đủ để chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có tới 136 nước, chiếm 75%, thiếu những cam kết và hành động đủ mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu theo Hiệp định. Trong danh sách này có tên các nước phát thải hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhìn vào con số thực tế nêu trên, ông Wastson dự báo ngay cả khi tất cả các nước hoàn tất mục tiêu chống biến đổi khí hậu đã đề ra trong Hiệp định Paris, nhiệt độ Trái đất vẫn sẽ tăng khoảng từ 3 đến 3,5 độ C và hậu quả là sự gia tăng tần suất các thảm họa thiên nhiên, mực nước biển tăng và nhiều loài động, thực vật biến mất.
Nóng kỷ lục
Theo Cơ quan Khí quyền và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 7/2019 là tháng nóng nhất trên Trái đất trong 140 năm qua. NOAA khẳng định đây là biểu hiện cụ thể nhất do tình trạng biến đổi khí hậu khi mà hiện tượng El Nino không xuất hiện ở thời điểm này. Bên cạnh đó, một loạt kết quả nghiên cứu khác dự báo mực nước biển toàn cầu có thể tăng thêm 20 cm vào năm 2300 do lượng khí phát thải trong giai đoạn 15 năm kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết (2015-2030).
Cũng theo thống kê của Tổ chức Khí tượng thế giới (ECMWF C3S), tháng 10/2019 đã trở thành tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất trong lịch sử các tháng 10. Nhiệt độ trung bình tháng 10/2019 trên toàn cầu tăng 0,69 độ C so với các tháng 10 giai đoạn từ 1981-2010.
Phản ứng của các nước
Đối lập với những kiến nghị của giới khoa học, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi các quy định về môi trường mà người tiền nhiệm Barack Obama đưa ra, thay vào đó là thúc đẩy ngành công nghiệp than đá, cho phép xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào không khí.
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Trump vẫn coi những nỗ lực chống tình trạng Trái đất ấm dần lên chỉ là "sự lãng phí tiền bạc" - quan điểm vấp phải sự chỉ trích rộng khắp ngay trong nội bộ nước Mỹ và quốc tế. Thực tế của tình trạng nhiệt độ bề mặt hành tinh, độ nóng trong lòng các đại dương, tần suất xuất hiện của thảm họa thiên tai cùng chi phí khắc phục hậu quả, mực nước biển, độ axit hóa nước biển và các thảm họa cháy rừng ở Mỹ đều đang tăng cao là điều không thể chối cãi.
Phản ứng liên quan đến việc Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Israel ngày 5/11 thông báo quốc gia này cam kết tuân thủ thỏa thuận. Theo Bộ Bảo vệ môi trường Israel, nước này có kế hoạch mở rộng cam kết trong Hiệp định với các mục tiêu bổ sung đến năm 2030. Israel khẳng định Hiệp định Paris mang đến những cơ hội về kinh tế để Israel trở thành một cường quốc công nghệ môi trường. Bộ trên khẳng định việc tuân thủ Hiệp định Paris là mối quan tâm quốc tế, song cũng là mối quan tâm trước tiên và hàng đầu của Israel đối với lợi ích kinh tế, xã hội của nước này.