Liên tục thay đổi mục đích
Tháng 7/1985, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Vĩnh Nghiệp ký Quyết định số 152/QĐ-UB thành lập Nông trường Dừa Thủ Đức thuộc xã Long Trường, huyện Thủ Đức (nay phường Long Trường, quận 9) có diện tích 280 ha. Nông trường có nhiệm vụ trồng cây dừa, chế biến dừa… theo mô hình nông công nghiệp.
Đến ngày 17/8/1996, UBND TP.HCM cho phép nhập Nông trường Dừa vào Công ty Lâm Viên, trực thuộc UBND huyện Thủ Đức. Để phát triển và khai thác khu đất hiệu quả, tháng 10/2000, UBND TP.HCM có chủ trương xây dựng Khu Du lịch Thể dục Thể thao ven sông Đồng Nai nằm trên toàn bộ diện tích đất của Nông trường Dừa. Hai năm sau, Công ty Lâm Viên được UBND TP cho phép chuyển về làm thành viên hạch toán độc lập của Tổng Công ty Du lịch Sài gòn (Saigontourist). Tháng 12/2003, Saigontourist có văn bản xin Thành phố chủ trương Quy hoạch Khu du lịch Sân golf Sài Gòn nằm trong Nông trường Dừa và được chấp thuận.
Năm 2005, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (ông Tín vừa bị khởi tố vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ tức Vũ “nhôm”) ký văn bản số 1064/UB-TM cho phép Saigontourist, Công ty Du lịch Thủ Đức và Công ty Thành Nhơn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Dự án sân golf Sài Gòn, và sau đó cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty Cổ phần Sài Gòn Gôn với bốn cổ đông sáng lập gồm: Saigontourist với vốn góp 70 tỷ đồng (chiếm 35% vốn điều lệ) bằng giá trị một phần chi phí bồi thường đất tại phường Long Trường, Công ty Dịch vụ du lịch Thủ Đức với vốn góp 30 tỷ đồng (chiếm 15% vốn điều lệ) bằng giá trị một phần chi phí bồi thường đất tại phường Long Trường, Công ty Thành Nhơn với vốn góp 60 tỷ đồng bằng tiền mặt (chiếm 30% vốn điều lệ) và Công ty Vietnam Venture Limited với vốn góp 40 tỷ đồng bằng tiền mặt (chiếm 20% vốn điều lệ). Từ tháng 10/2015 đổi tên thành Công ty TNHH Sài Gòn Gôn (từ lúc này tạm gọi là Công ty Sài Gòn Gôn).
Tiếp đó, năm 2008, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu dân cư và sân golf Vườn Dừa với quy mô khoảng 300 ha, trong đó, dự án sân golf khoảng 156 ha. Tuy nhiên ngày 26/11/2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1946/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, do đó, dự án sân golf vườn Dừa không nằm trong danh mục dự kiến phát triển.
Ưu đãi khó hiểu?
Do đó, từ tháng 11/2010, UBND TP.HCM đã cho phép điều chỉnh chức năng từ dự án Khu du lịch sân golf Sài Gòn thành dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Eastern Sense. Tuy nhiên, đến tháng 6/2011, cho rằng đầu tư du lịch không hiệu quả, Công ty Sài Gòn Gôn xin được điều chỉnh dự án thành Khu đô thị Eastern Sense (bỏ chức năng du lịch). Trước việc liên tục thay đổi mục đích sử dụng đất và không triển khai dự án, ngày 23/5/2014, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký Quyết định số 2541/QĐ-UBND về việc thu hồi 156 ha đất Nông trường Dừa giao cho Saigontourist để chuyển cho UBND quận 9 quản lý nhưng Công ty Sài Gòn Gôn không nghiêm túc thực hiện việc giao đất.
Bất ngờ, tháng 12/2014, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Gôn có công văn số 08/2014-CV-SGG gửi UBND TP.HCM xin không thu hồi đất và tiếp tục thực hiện dự án Khu đô thị dân cư Vườn Dừa (tên gọi khác của Khu đô thị Eastern Sense).
Sau khi xem xét, ngày 10/12/2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký văn bản số 7688/UBND-ĐTTM công nhận Công ty Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư dự án giai đoạn 1 - xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư đô thị tại khu vực Nông trường Dừa với diện tích 156 ha. Nếu trong 12 tháng không thực hiện dự án, TP sẽ thu hồi. Tuy nhiên, chủ đầu tư không có động thái đẩy tiến độ dự án.
Thật khó hiểu khi Công ty Sài Gòn Gôn nhận được quá nhiều “ưu đãi” từ UBND TP.HCM, không những nhiều lần trì hoãn việc thực hiện dự án mà còn không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với 156 ha đất thuộc Nông trường Dừa.
Được các quyền lợi, từ đây, các thành viên góp vốn trong Công ty Sài Gòn Gôn đã có những động thái thoái vốn cho nhau. Công ty Dịch vụ du lịch Thủ Đức chuyển toàn bộ vốn góp cho Saigontourist và Công ty Vietnam Venture Limited nhượng phần góp vốn của mình cho Công ty Thành Nhơn. Như vậy, trong Công ty Sài Gòn Gôn (vốn điều lệ là 200 tỷ đồng) Saigontourist chiếm 50% vốn điều lệ, Công ty Thành Nhơn chiếm 50% vốn điều lệ.
Không dừng lại đó, tháng 12/2016, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo Sở Xây dựng TP tham mưu đề xuất UBND TP gia hạn thời gian hiệu lực việc công nhận Công ty Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư dự án nói trên. Sau đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian hiệu lực việc công nhận Công ty Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư.
Với những diễn biến như vậy, lý ra UBND TP.HCM phải thu hồi dự án để giao cho các chủ đầu tư khác có năng lực tốt hơn. Thật khó hiểu tại sao Công ty Sài Gòn Gôn nhận được quá nhiều “ưu đãi” từ UBND TP.HCM?
Thâu tóm đất công?
Được biết, ngày 8/5/2017, Saigontourist đã thoái xong toàn bộ vốn tại Công ty Sài Gòn Gôn. Phần vốn chào bán là 50% vốn điều lệ do Saigontourist nắm giữ (tương ứng 100 tỷ đồng), giá chào bán hơn 645 tỷ đồng. Thật bất ngờ bên mua chính là Công ty Thành Nhơn, giá mua bằng với giá Saigontourist chào bán.
“Phi vụ” thoái vốn trên mang về cho Saigontourist hơn 545 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc sau thời gian bỏ một 100 tỷ đồng đầu tư, Saigontourist được lãi ròng với số tiền nói trên?.
Về phía Công ty Thành Nhơn, từ một thành viên góp 30% cổ phần, sau đó bỏ hơn 645 tỷ đồng mua toàn bộ vốn điều lệ tại Công ty Sài Gòn Gôn để làm chủ 156 ha đất công mà không cần tham gia đấu giá công khai.
Được biết, việc thoái vốn này được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký văn bản số 432/UBND-KT chấp thuận Saigontourist chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty Sài Gòn Gôn cho Công ty Thành Nhơn (theo đề xuất trước đó của Chi cục Tài chính doanh nghiệp).
Theo điều tra của chúng tôi, một Tập đoàn BĐS đã mua hơn 98% vốn chủ sở hữu của Công ty Sài Gòn Gôn với tổng giá trị hơn 1.442 tỷ đồng. Nếu trừ đi chi phí 109 tỷ đồng đã chi ra để bảo vệ khỏi bị lấn chiếm thì giá trị còn lại của khu đất là 1.333 tỷ đồng, nghĩa là mỗi hécta đất chỉ khoảng 8,5 tỷ đồng, mỗi m2 đất tại Nông trường Dừa có giá khoảng 850.000 đồng. Như vậy, việc thoái vốn nói trên của Saigontourist dù mang lại lợi nhuận hơn 545 tỷ đồng, nhưng có dấu hiệu gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Nếu căn cứ theo Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND TP về giá đất áp dụng từ ngày 1/1/2015 - 31/12/2019, giá đất trên đường Trường Lưu, Tam Đa, phường Trường Lưu, quận 9 (quanh khu vực Nông trường Dừa) có giá lần lượt là 2,4 và 2,1 triệu đồng/m2. Như vậy, 156 ha đất ở Nông trường Dừa có tổng giá trị dao động từ 3.276 - 3.744 tỷ đồng. Còn giá đất giao dịch trên thị trường gần khu vực này dao động khoảng từ 17 - 24 triệu đồng/m2.
Theo Luật sư Đoàn Việt Thắng, quá trình thoái vốn Nhà nước của Saigontourist tại Công ty Sài Gòn Gôn đã không tuân thủ Điều 31 Luật số 69/2014/QH13, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Luật Đất đai 2013, bởi khu đất 156 ha này được định giá rồi sau đó các bên đưa giá trị vốn góp để rồi thoái vốn mà không đưa ra đấu giá công khai khiến tài sản công có dấu hiệu bị thâu tóm, nguy cơ thất thoát ngân sách cho Nhà nước.
Tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản năm 2018, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, khu đất 156 ha Nông trường Dừa đang bị Thanh tra Chính phủ thanh tra. Sau khi Thanh tra có kết luận, TP.HCM sẽ xem xét giải quyết.