Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang: Hướng đến hợp tác quốc tế

02/08/2016 00:00

(TN&MT) - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang là một khu rất đặc thù do tính đa dạng sinh học, có quy mô lớn, và nằm ngay trong thành phố Đà Lạt. Thực hiện tốt các kế hoạch bảo tồn và khai thác các giá trị tổng hợp của khu dự trữ này sẽ giúp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới.

Hệ sinh thái phong phú

Nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, thuộc khu vực nam Tây Nguyên,  Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam được công nhận năm 2015. Đây cũng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên.

Với tổng diện tích là 275.439 ha, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang có nhiều hệ sinh thái đặc hữu như: Hệ sinh thái rừng kín; Hệ sinh thái rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới;   Hệ sinh thái rừng thưa cây lá kim; Hệ sinh thái rừng tre nứa và rừng hỗn giao tre với lá rộng…

Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Tây Nguyên. Ảnh: ST
Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Tây Nguyên. Ảnh: ST

Theo thống kê hiện tại, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang có có 748 loài động vật thuộc 507 giống, 123 họ, 6 lớp với 3 loài đặc hữu, 45 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, trong đó có 19 loài có giá trị bảo tồn cao. Một số loài quý hiếm như Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae), Bò tót (Bos gaurus), Mi Lang Biang (Crocias langbianis), Khướu đầu đen má xám (Trochalopteron yersini).

Bên cạnh đó là 1940 loài thực vật  thuộc 825 chi,180 họ thuộc 4 ngành với 3 loài thực vật đặc hữu, 64 loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn

Để quản lý và bảo vệ tốt hệ sinh thái đa dạng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và Hội đồng tư vấn với 11 thành viên, trong đó có 7 thành viên là các giáo sư, tiến sỹ đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia.

Trước hết, Ban quản lý Khu dự trữ sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông cho nhân dân, các tổ chức, chính quyền liên quan và cả du khách. Ngoài ra, Ban quản lý có nhiệm vụ triển khai thực hiện các giải pháp nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và bảo tồn. Trong đó, cơ quan được ưu tiên lựa chọn là Tổ chức JICA (Nhật Bản).

Trong chương trình hợp tác, Tổ chức JICA sẽ xây dựng một hệ thống quản lý từ Bộ ngành đến chính quyền cơ sở để điều phối, thực thi các quy định, giám sát diễn tiến rừng. Hệ thống này sẽ được thực hiện đến năm 2020. Trong đó, hướng đến các mục tiêu chính là: Tạo khung thể chế cần thiết cho quản lý và vận hành Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; thỏa thuận quản lý hợp tác như là một công cụ bảo tồn các hệ sinh thái rừng tại vùng lõi và vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang…

Song song với việc bảo tồn, theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, và Ban quản lý Khu dự trữ, trong quá trình hoạt động, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang ưu tiên đảm bảo hài hòa giữa con người và sinh quyển, cảnh quan thiên nhiên. Trong đó, lãnh đạo địa phương chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của những tộc người bản địa còn sinh sống bên trong khu bảo tồn; đảm bảo sự phát triển của con người, xã hội cùng với việc bảo tồn sự đa dạng sinh học.

Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng chương trình, hành động cụ thể để gắn kết đời sống con người với bảo tồn thiên nhiên như: Hoạt động sản xuất nông nghiệp thân thiện; Du lịch sinh thái; Nghiên cứu khoa học - giáo dục về thiên nhiên; Mở các cuộc triển lãm…

H.Phúc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang: Hướng đến hợp tác quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO