Ngày 2/1, ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, lượng khách đến với khu Di sản Huế trong năm 2017 vừa qua tiếp tục tăng.
Theo đó, tính đến hết ngày 31/12, đã có hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan khu Di sản Huế, chỉ tính riêng lượng khách tham quan có bán vé là 2.941.944 lượt (chưa tính hàng trăm ngàn lượt khách miễn vé theo chế độ). Trong đó khách quốc tế là 1.808.517 lượt và khách Việt Nam là 1.133.427 lượt. Doanh thu từ vé tham quan đạt 317.331.841.000 đồng, tăng 20,78% so với năm 2016, đạt 122,05 % kế hoạch giao (260 tỷ đồng).
Nếu kể cả doanh thu từ vé của chương trình Đại Nội Về Đêm (đã tạm dừng do thời tiết) là 3.113.433.000 đồng, tổng doanh thu năm 2017 đạt hơn 320 tỷ đồng. Với con số trên, doanh thu từ vé tham quan khu Di sản Huế đã tăng gấp 4 lần so với năm 2011 (80 tỷ đồng).
Riêng trong 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch 2018 đã có hơn 35.000 lượt khách đến thăm khu di sản Huế, trong đó có hơn 80% là khách du lịch quốc tế. Cụ thể: ngày 30/12 có 12.633 khách, ngày 31/12 có 11.944 và ngày 1/12 là 10.457 khách.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã tổ chức Gala Chào xuân 2018 tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế), nhằm tri ân các đơn vị du lịch, lữ hành có những đóng góp tích cực cho trung tâm trong việc đưa du khách đến với di tích Huế. Tại chương trình, 4 đơn vị đã được trung tâm vinh danh đưa khách đến với Di sản Huế nhiều nhất gồm: Saigon Tourist, Exotissimo Travel, Vietravel và Vidotour.
Ông Phan Thanh Hải cho biết thêm, năm 2017, trung tâm đã tiến hành trùng tu tổng cộng 24 dự án với tổng vốn đầu tư được bố trí 176 tỉ đồng. Trong năm 2018, nhiều dự án bảo tồn, tu bổ di tích quan trọng sẽ được triển khai như: dự án bảo tồn, phục hồi điện Kiến Trung; dự án bảo tồn hệ thống tường và cổng Tử Cấm thành (giai đoạn 1); bảo tồn, tu bổ và phục hồi lăng Dục Đức (hạng mục Tẩm điện và lăng mộ); bảo tồn, trùng tu di tích Bi đình lăng Tự Đức; tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực Hoàng thành; bảo quản, tu bổ tổng thể Triệu Miếu (giai đoạn 2)...
Về công tác bảo tồn, giữ gìn giá trị cảnh quan, môi trường di tích, Trung tâm đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao như: Vườn sưu tập, nhân giống và bảo tồn các giống cây di tích; bảo tồn lưu giữ giống sen trắng tôn tạo cảnh quan các hồ di tích khu vực Đại nội, Hộ Thành Hào, Ngoại kim thủy; đề tài Quy hoạch lại hệ thống cây xanh di tích Đại nội; đề tài bảo tồn hệ thống cây xanh cổ thụ tại các điểm di tích...
Tiếp tục ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động chuyên môn: Xử lý ô nhiễm môi trường nước, xử lý rêu bám trên gạch Bát Tràng, ứng dụng kỹ thuật chăm sóc sân vườn, cây xanh, bảo quản giống cây trồng, nhân giống và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đảm bảo không ô nhiễm môi trường di tích và nâng cao chất lượng hoa và cây cảnh.